(TBKTSG) - Vụ tai tiếng liên quan đến Bệnh viện Nhi Trung ương vì hành vi ngăn chặn không cho gia đình người bệnh tự thuê xe đưa con mình về lo hậu sự đã làm dấy lên câu hỏi: Ở bệnh viện đó, quyền hạn của ban giám đốc tới đâu và quyền lực của đơn vị được thuê làm bảo vệ tới đâu? Trong thực tế, đây là một vấn đề không chỉ xảy ra ở bệnh viện này, mà còn ở không ít cơ sở khác có những bộ phận và cá nhân làm công việc gọi là “bảo vệ”...
Trước hết, “vấn đề của mọi vấn đề” là ban giám đốc hay ban lãnh đạo có biết việc bảo vệ cơ quan là như thế nào hay không? Đứng ở góc độ quản trị, khó có thể chấp nhận lời giải thích “không hay biết” khi mà vụ việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật và thể hiện “bằng xương, bằng thịt” qua các thái độ hò hét, quát tháo, hạch sách đã thành cố tật!
Trong thực tế, tại một số cơ sở tư nhân, tỷ như một số chung cư, bệnh viện hay trường học... các đơn vị đảm nhận công việc bảo vệ ở đây có những thái độ khá chuẩn mực trong tiếp xúc. Khác biệt đó có thể gồm hai nguyên do. Thứ nhất là do sự khác biệt giữa các cơ sở công và tư nói chung dẫn đến khác biệt phải có trong cung cách của bảo vệ. Nhìn chung, phương châm “vui lòng khách đến” được quán triệt ở các cơ sở tư nhiều hơn là ở các cơ sở công. Thứ hai là ngay trong khối cơ sở tư cũng có sự khác biệt do “giá cả” của dịch vụ mà cơ sở cung cấp, “giá cả” dịch vụ càng cao thì thái độ phục vụ của bảo vệ cũng tỷ lệ thuận. Tỷ như bảo vệ ở chung cư X, Y..., nghiêm chào khi cư dân (lái xe) ra vào; bảo vệ ở các trường quốc tế “thưa gửi” rõ ràng từ cổng vào... Nói chung là “đáng đồng tiền bát gạo”! Tất nhiên, cũng có khi bảo vệ trở mặt “dập” cư dân khi đứng về phía chủ đầu tư vốn đang có tranh chấp với cư dân, song đó là những trường hợp “cá biệt” mà lẽ ra cư dân phải biết đường mà đâm đơn kiện! Thành ra, vấn đề ở đây, nếu muốn có một sự chỉnh đốn, đi vào khuôn khổ của tính tôn trọng luật pháp và các công dân, thì các ban giám đốc, bất luận cơ sở công hay tư cần phải thay đổi cách nhìn về thái độ của đội ngũ bảo vệ tại cơ sở.
Trở lại trường hợp bệnh nhi xấu số kia như là một thí dụ khả dĩ, nếu ban giám đốc bệnh viện thực sự nâng tầm nhìn, xem các “thân chủ” của mình, cho dù đang được “bảo hiểm y tế chi trả” chăng nữa, như là những con người, xem quan hệ bệnh viện - bệnh nhân trong góc độ quan hệ giữa người với người - thì có lẽ, cái nhìn, quy chế, thái độ sẽ nhân ái hơn. Trong bối cảnh chung đó, tin tức về việc nhiều chế độ hỗ trợ đã được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Quyết định về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo như hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại từ nhà đến cơ sở điều trị (báo SKĐS 10-7-2016), chính là “chút mặt trời trong nước lạnh”...!
Liệu có thể rút ngắn khoảng cách về thái độ phục vụ giữa bảo vệ nói riêng, và nhân viên nói chung trong các cơ quan công so với các cơ sở tư? Có thể mà cũng không có thể! Do lẽ chỉ khi nào các cơ quan, đơn vị, bắt đầu từ những người đứng đầu “chịu” thay đổi cách nhìn về các “thân chủ” của mình một cách trân trọng, đúng phẩm giá, hiểu “công dân là chủ” và ý thức rất rõ rằng họ được trả lương là từ đồng tiền của khách, thì chừng đó mới mong họ chuyển biến thái độ cư xử như những “đầy tớ” thực sự.
Nói rộng ra, làm sao để nhân viên cơ quan công hay bảo vệ ở đây thay đổi thái độ làm việc, lề lối phục vụ y hệt các cơ sở tư? Đơn giản tột cùng song cũng khó khăn tột cùng: có thể bị đuổi việc thẳng tay như ở các cơ sở tư một khi làm tổn hại đến khách hàng! Muốn thế, phải “quên” các “tháp ngà” mang tên biên chế, cán bộ... đi!
Muốn là được, người Pháp nói thế. Song, cũng có khi “không muốn là không được” lại... thích hơn!