Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Người Trung Quốc ‘khuynh đảo’ du lịch Nha Trang

TẤN LỘC

(PL)- Người Trung Quốc điều hành phần lớn hoạt động kinh doanh du lịch phục vụ du khách nước này tại Nha Trang (Khánh Hòa) gây lúng túng cho địa phương.

“Vấn đề phức tạp nhất đang nổi lên hiện nay là xu hướng “Trung Quốc (TQ) hóa” mọi hoạt động du lịch ở Nha Trang. Họ nắm giữ hết các cơ sở kinh doanh để phục vụ người TQ”. Đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa, nhận xét tại cuộc họp giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực du lịch do UBND tỉnh này tổ chức ngày 26-5.

“Núp bóng” điều hành kinh doanh

Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết số lượng du khách TQ đến Nha Trang tăng đột biến trong những tháng gần đây. “Việc tăng nhanh khách TQ trong thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập trong du lịch” - bà Trúc nói.

Đại tá Nghĩa cho biết nhiều người TQ lấy danh nghĩa đi du lịch nhưng thực chất là đi kinh doanh. “Thực tế họ là những ông chủ bên TQ, những người lãnh đạo, chỉ huy toàn bộ hoạt động du lịch liên quan đến du khách nước này tại Nha Trang. Họ qua đây điều hành toàn bộ hoạt động, cho khách ở khách sạn nào, đưa đến mua sắm chỗ nào, đi chơi ở đâu… Họ kinh doanh nhưng không mở doanh nghiệp, không xin giấy phép đầu tư” - Đại tá Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Đại tá Nghĩa, những người này đến Nha Trang thuê khách sạn, nhà hàng, ô tô, cơ sở dịch vụ, mua sắm… để phục vụ riêng du khách đến từ TQ. Hiện có nhiều khách sạn, nhà hàng trên danh nghĩa người Việt Nam đứng tên nhưng thực tế do người TQ điều hành. Trong khi đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH khẳng định đến nay chưa cấp phép cho lao động TQ làm việc phục vụ du khách nước này.

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, một hiện tượng khác nổi lên gần đây là một số cơ sở dịch vụ chỉ phục vụ du khách TQ. Các cơ sở này thường lấy lý do không đủ nhân viên để từ chối phục vụ người Việt. “Ngoài ra, gần đây cơ quan chức năng phát hiện nhiều đoàn du khách TQ khi đến các điểm du lịch đã căng băng rôn, biểu ngữ bằng tiếng TQ với nội dung không đúng rồi chụp ảnh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ tịch thu các băng rôn, nhắc nhở chứ chưa xử phạt” - ông Khánh nói.

Lúng túng quản lý

Đại tá Phạm Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Khánh Hòa), cho biết việc quản lý xuất nhập cảnh đối với du khách TQ cũng phức tạp không kém. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đưa khách TQ đến Khánh Hòa vào ban đêm với 4-5 chuyến bay/đêm, trong đó mỗi chuyến có ít nhất 150 khách. “Do đó việc làm thủ tục xuất nhập cảnh thường bị dồn ứ nên cơ quan xuất nhập cảnh giữ hộ chiếu một ngày. Vì thế phần lớn du khách TQ đăng ký lưu trú tại các khách sạn bằng danh sách do Cục Quản lý xuất nhập cảnh phê duyệt mà chưa có số hiệu thị thực.

Bà Phan Thanh Trúc thừa nhận hiện có tình trạng du khách TQ khai báo tạm trú dựa theo danh sách của các đơn vị lữ hành cung cấp mà chưa chuyển hộ chiếu gốc cho các cơ sở lưu trú quản lý, theo dõi. Lập tức, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh việc quản lý như vậy là sơ hở, không đúng quy định.

Tương tự, Đại tá Trần Nhân Nghĩa cho rằng người TQ đến Nha Trang có nhiều hoạt động chui nhưng khó quản lý. Chẳng hạn, có nhiều người TQ làm hướng dẫn viên chui nhưng cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý. “Họ biến hóa lắm, không biết đâu mà kiểm tra, xử phạt! Khi thấy lực lượng chức năng, họ như du khách bình thường. Khi không có cơ quan chức năng, họ làm hướng dẫn viên, không biết đâu mà kiểm tra, xử phạt” - ông Nghĩa nói.

Ông Trần Sơn Hải thừa nhận việc du khách TQ đến Khánh Hòa tăng đột biến đã làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch gặp khó khăn, lúng túng. Ông Hải yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh từ nay đến cuối tháng 6-2016 thanh tra, kiểm tra các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ chuyên phục vụ khách nước ngoài, chấn chỉnh việc phân biệt đối xử, xử lý các hoạt động giao dịch ngoại tệ trái phép, kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở này…
***

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết cơ quan chức năng vừa xử phạt ông Li Minh (quốc tịch TQ) 20 triệu đồng do ông này hoạt động nghề chưa được phép của cơ quan thẩm quyền. Ông Li Minh còn bị hủy thị thực, rút ngắn thời gian tạm trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chuyển Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh xử phạt bốn người nước ngoài do có nhiều vi phạm. Ngoài mức phạt tiền 40 triệu đồng, họ còn bị cơ quan chức năng hủy thị thực, rút ngắn thời hạn tạm trú, yêu cầu họ phải xuất cảnh.

Mượn mác Việt, bán hàng “dỏm” giá cao

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa phát hiện toàn bộ hàng hóa tại nhiều cửa hàng do người TQ đứng sau điều hành nhập từ TQ nhưng gắn mác hàng Việt Nam. Những hàng hóa này kém chất lượng hoặc là hàng giả nhưng giá được nâng lên hàng chục lần. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu hàng Việt.

Ông Phạm Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết thêm cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở dịch vụ chuyên phục vụ du khách TQ giao dịch trái phép bằng nhân dân tệ. “Họ làm hầu hết các dịch vụ, khép kín, tức là không để đồng tiền của họ chảy ra ngoài. Do đó chúng ta không được gì cả. Nếu không quản lý tốt, chúng ta sẽ mất hết thị phần” - Đại tá Trần Văn Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa, bổ sung.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Khách sạn của mình, cơ sở của mình, tàu thuyền của mình, thắng cảnh của mình… nhưng cuối cùng làm thuê cho người nước ngoài là không thể chấp nhận”.

Trong năm tháng đầu năm 2016, Khánh Hòa đón hơn 175.000 khách TQ, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2015, chiếm gần 40% khách quốc tế. Thị trường khách TQ đã vươn lên dẫn đầu tốp 10 thị trường khách quốc tế gửi khách đến Khánh Hòa nhiều nhất.

Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, có những du khách TQ mỗi năm đến Nha Trang bốn lần. Mỗi lần họ ở đến ba tháng. Thực chất đây là người TQ lấy danh nghĩa đi du lịch để kinh doanh hoặc làm việc khác.