(Dân Việt) 70% số tiền xử phạt được giữ lại sử dụng là một động lực không nhỏ để lực lượng cảnh sát giao thông tích cực xử phạt.
Công an tỉnh Sóc Trăng mua và sử dụng 4 chiếc xe cực sang từ năm 2012 mà vẫn êm xuôi cho đến khi báo chí vào cuộc mới gần đây. Điều đó cho thấy hẳn là người ta đã có cách để sự việc này phù hợp với quy định hiện hành. Vấn đề là những quy định đó liệu có thực hợp lý hay không, khi vì thế mà chướng mắt nhân dân.
Theo lý giải của ông Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng thời điểm năm 2012 thì 4 chiếc Lexus 570 được mua bằng một phần số tiền xử lý vi phạm giao thông. Lexus 570 là loại xe sang trọng và đắt tiền, có giá trên thị trường khoảng 5 tỷ đồng/chiếc, không phù hợp với tiêu chuẩn, định mức đối với cơ quan công an cấp tỉnh. Việc mua, và sử dụng những chiếc xe sang trọng này chỉ có thể được đáp ứng nhờ… tiềm năng vi phạm giao thông của người dân tỉnh Sóc Trăng.
Thông tư 89 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định, việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính là được trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nội dung thông tư này có mục đích tích cực là tạo động lực cho lực lượng cảnh sát giao thông hoàn thành tốt công việc của mình, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách được trích lại 70% số tiền xử phạt chính là câu chuyện của 4 chiếc xe Lexus.
Nhu cầu trở nên giàu có hơn, sang trọng hơn luôn là một động lực của loài người. Sẽ không ai khước từ việc được sử dụng những chiếc xe tiện nghi, sang trọng, đắt tiền khi có được cơ hội.
Theo quy định tại thông tư 89/2007 – BTC thì nếu số tiền được giữ lại từ nguồn tiền sử phạt vi phạm giao thông sử dụng không hết trong năm thì được chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bổ sung đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Như vậy, càng thu được nhiều tiền xử phạt, cơ hội được trang bị những chiếc xe sang trọng và các phương tiện khác càng cao.
Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính là một cơ hội cụ thể để những tờ biên lai xử phạt biến thành xe Lexus. Do đó, thu tiền phạt càng nhiều càng tốt đã trở thành một động lực cụ thể đối với lực lượng cảnh sát giao thông, thậm chí động lực đó hoàn toàn có thể lấn át các ưu tiên khác, như đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo sự thuận lợi cho người tham gia giao thông.
70% số tiền xử phạt được giữ lại sử dụng là một động lực không nhỏ để lực lượng cảnh sát giao thông tích cực xử phạt. Và động lực đó, liệu có lấn át tất cả các hoạt động chấp pháp thông thường của cảnh sát hay không? Chưa có những nghiên cứu đánh giá tác động chi tiết từ thông tư 89. Song, những hiện tượng phản cảm về chuyện này mỗi ngày một nhiều hơn.
Không tháng nào không xuất hiện những clip mới ghi lại cảnh cãi vã phản cảm của cảnh sát giao thông với người tham gia giao thông xung quanh những quyết định xử phạt. Nếu nhìn một cách tích cực thì đó là thái đội kiên quyết của cảnh sát giao thông đối với các hành vi vi phạm. Song, nhìn một cách khác, thì đó là những bằng chứng cho thấy lực lượng cảnh sát giao thông đang tìm mọi cách để có thể… phạt dân.
Cùng một sự việc, chúng ta luôn có thể có những góc nhìn khác nhau. Những góc nhìn tích cực sẽ được hình thành khi đằng sau hiện tượng là sự công chính, không có những khuôn mặt lợi ích lấp ló mỉm cười.
Cũng là hiện tượng đó, góc nhìn sẽ méo mó hơn nhiều. Người ta sẽ khó mà tin được việc xử phạt quyết liệt của cảnh sát giao thông là hoàn toàn công chính khi phía sau sự quyết liệt đó là động lực giàu sang.
Những tấm biên lai xử phạt vi phạm giao thông có thể sẽ là kỷ niệm nhắc nhở người tham gia giao thông về thái độ giao thông của mình. Nhưng, những tấm biên lai ấy cũng có thể được nhìn nhận như một phần đóng góp để mang đến sự giàu sang cho lực lượng chấp pháp.
Có lẽ, những người có trách nhiệm trong lực lượng cảnh sát giao thông, những người đã tạo ra thông tư 89/2007 đã không hình dung đến những chiếc Lexus ở Sóc Trăng hôm nay, có lẽ họ không muốn ngồi trên những chiếc xe sang trọng ấy mà được nhìn nhận rằng “Giàu nhờ phạt, sang nhờ phạt.”