TNO - Vụ hơn 4.000 kíp nổ của một mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị đánh cắp gây chấn động một vùng quê.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang điều tra một vụ mất cắp khoảng 4.000 kíp nổ (kích hoạt nổ mìn) tại mỏ đá Khe Diều, thuộc Công ty CP vật liệu xây dựng 368 (gọi tắt là Công ty 368) đóng tại thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hết sức nguy hiểm
Vụ mất cắp xảy ra vào ban đêm cách nay khoảng một tháng, tại nhà kho của công ty này trong khu vực mỏ đá Khe Diều đang khai thác tại thôn Thủy Cam. Thông tin ban đầu cho biết, kẻ gian đã xâm nhập vào khu vực nhà kho, cạy, phá khóa cửa, lấy đi số lượng lớn kíp nổ như nói trên. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người dân lẫn chính quyền địa phương hết sức lo lắng nếu kíp nổ được sử dụng vào mục đích xấu. Xác nhận thông tin vụ mất cắp xảy ra tại mỏ đá Khe Diều, một vị lãnh đạo xã Lộc Thủy cho biết chỉ mong cơ quan công an sớm tìm ra thủ phạm, thu hồi số kíp nổ.
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia quân sự tại Ban Chỉ huy quân sự H.Phú Lộc lo ngại nếu để xảy ra mất cắp hàng ngàn kíp nổ như vậy là hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, với chức năng kích hoạt thuốc nổ, nếu hàng ngàn chiếc kíp này được sử dụng vào mục đích xấu thì ảnh hưởng an ninh, đời sống và sinh mạng người dân. Về quy trình quản lý vật liệu nổ, vị này cho biết: “Ngoài giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề, mỗi khi mua vật liệu nổ (tại đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng) thì công ty cũng phải được cấp giấy phép nổ. Muốn như thế phải có phương án bảo đảm an toàn; việc quản lý, kiểm tra cũng phải được cơ quan cảnh sát PCCC tỉnh thực hiện định kỳ, thường xuyên. Riêng việc bảo quản, gìn giữ vật liệu nổ thì kho chứa phải cách khu vực nổ mìn ít nhất 700 m, kho chứa phải bán âm; nhân viên nổ mìn cũng phải được đào tạo, huấn luyện”, vị này nói.
Quản lý lỏng lẻo
Mỏ đá Khe Diều được Công ty CP xây dựng giao thông Thừa Thiên - Huế chuyển nhượng cho Công ty 368 từ năm 2014 đến nay, chủ yếu phục vụ cho dự án nâng cấp, mở rộng QL1. Sau khi dự án nâng cấp QL1 hoàn thành, việc khai thác đá được tổ chức sản xuất (nổ mìn phá đá, xay, nghiền…) để bán làm vật liệu xây dựng nói chung.
Theo thông tin PV Thanh Niên tìm hiểu được, Công ty 368 được cơ quan chức năng cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ, trong đó quy định không được nổ lượng thuốc quá 1.000 kg/lần. Phương án nổ mìn cũng phải được xây dựng theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT. Trong quá trình khai thác đá, có thời điểm công ty này thực hiện hơn 23 - 24 vụ nổ mỗi tháng, có vụ nổ dùng đến 720 kg thuốc nổ. Để phục vụ cho việc nổ mìn khai thác đá, một lượng lớn kíp nổ cũng được công ty nhập về, trong đó chủ yếu là kíp visai điện. Có vụ nổ công ty này dùng đến 650 kíp.
Khu vực mỏ đá Khe Diều và dãy nhà kho cũng là chỗ ở của công nhân nằm bên cạnh khu vực ruộng lúa và lăng mộ của người dân. Từ bên ngoài đi vào ngoài chiếc barrier đơn sơ, biển báo và bảng thông báo giờ nổ mìn khu nhà kho và sân bãi sản xuất không có tường rào bao bọc. Vì vậy, việc kẻ gian xâm nhập vào khu nhà kho là không quá khó.
***
Những ngày qua, PV Thanh Niên đã gọi nhiều cuộc điện thoại vào số máy di động của ông Phan Quang Thuận, Phó giám đốc công ty phụ trách mỏ đá Khe Diều, nhưng vị này không nghe máy. Còn ông Hà Cảnh Bình, đại diện công ty điều hành mỏ đá, cho biết đang bận việc nhà và hẹn sẽ liên lạc với PV sau khi trở lại điều hành mỏ đá. Trong khi đó, trả lời về thông tin bị mất hơn 4.000 kíp nổ tại mỏ đá Khe Diều, ông Hồ Trọng Cầu, Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc, nói rằng ông “không biết” và “không nắm” vấn đề này.
***
Tùy theo mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hàng chục mỏ đá khai thác, trong đó phần lớn đều sử dụng kíp nổ và thuốc nổ mìn phá đá. Riêng tại H.Phú Lộc, ngoài mỏ đá Khe Diều còn có mỏ đá đen Lộc Điền, mỏ đá Phú Gia đều có sử dụng thuốc nổ.
Theo điều 35, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 do Ủy ban Thường vụ của Quốc hội ban hành về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì “UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại địa phương”; “cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che cho người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.