Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Để ngành y tế Việt Nam phát triển: Bốn vấn đề cần làm

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

(TBKTSG) - Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra thông điệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là vấn đề quan trọng đặc biệt. Tôi mạn phép đưa ra một số ý tưởng về việc làm gì để y tế Việt Nam phát triển. Thực chất, đây mới là việc thay đổi tư duy, chưa bàn đến vấn đề kỹ thuật cụ thể.

Quy hoạch lại nền y tế

Hiện nay, y khoa của chúng ta (cả y tế dự phòng và y học điều trị) đều có hệ thống phân tuyến từ trung ương đến địa phương, mang nặng tính hành chính và bộc lộ nhiều yếu kém.

Y học điều trị cần được phân cấp theo chuyên môn: y tế gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu và hệ thống bệnh viện chữa bệnh nội trú. Trên thực tế, hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực triển khai hệ thống bác sĩ gia đình.

Hệ thống bác sĩ gia đình sẽ phối hợp với y tế dự phòng làm một số công tác về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, ngoài việc khám chữa bệnh ban đầu, hệ thống này còn có nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân. Mỗi người dân cần đăng ký một cơ sở y tế gia đình làm cơ sở chính. Nơi đó sẽ lưu giữ hồ sơ sức khỏe của người bệnh và cung cấp cho các cơ sở khác nếu cần.

Khi người bệnh cần nhập viện, điều trị nội trú, thì bác sĩ gia đình sẽ là người giới thiệu bệnh nhân vào bệnh viện. Hệ thống bệnh viện không cần phân tuyến. Bộ Y tế sẽ đưa ra một chuẩn mực nhất định, đạt được chuẩn mực đó thì bệnh viện được phép hoạt động. Tương tự vậy, một phòng khám bác sĩ gia đình cũng phải đạt chuẩn tối thiểu.

Những bệnh viện chỉ đạt được chuẩn tối thiểu sẽ chỉ được thu mức giá theo quy định, và đó là mức giá mà bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Nếu bệnh viện hoặc phòng khám bác sĩ gia đình nào đạt được các tiêu chuẩn cao hơn, sẽ được gắn thêm sao, đồng thời, sẽ có thể định mức giá dịch vụ cao hơn.

Công tác nghiên cứu y tế sẽ chia làm hai loại. Một loại liên quan đến y tế dự phòng, Nhà nước và các quỹ NPO (phi lợi nhuận) hỗ trợ ngân sách. Những nghiên cứu liên quan đến điều trị, sẽ lấy ngân sách chủ yếu từ sự tài trợ của các bệnh viện, của các hãng dược, và các quỹ NPO, hoặc từ các mạnh thường quân nhất định.

Về y tế dự phòng, hiện nay, hệ thống của chúng ta hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, Nhà nước cần tập trung chăm lo đời sống cho những nhân viên y tế trong lĩnh vực này, nâng cao mức thu nhập, từ đó, không để nhân viên y tế dự phòng phải đi khám và điều trị bệnh để cải thiện đời sống. Với đặc thù của xã hội Việt Nam, y tế dự phòng cần được gắn chặt với công tác truyền thông, có đội ngũ đủ mạnh để chống lại các trào lưu sai lầm trong y tế dự phòng, ví dụ như anti-vaccine (chống việc tiêm ngừa).

Cải tổ lại hệ thống bảo hiểm y tế công

Cần cải tiến lại mức thu BHYT công. Hiện nay, ở các nước phát triển, người dân rất coi trọng BHYT, vì nếu không có BHYT, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám, chữa bệnh. Cần phải tạo được tư duy đó đối với BHYT công ở người Việt Nam.

Mức thu BHYT công sẽ phải tăng lên, khoảng 4,5% của phần lương thực lãnh. Và, phần chi trả của người lao động phải lớn, để bù đắp chi phí và để họ thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe. Nhà nước sẽ dùng ngân sách y tế hoặc ngân sách xóa đói giảm nghèo mua BHYT công cho người nghèo và hỗ trợ cho những người thuộc diện cận nghèo.

BHYT công sẽ phải chi trả cho các chi phí khám tại bác sĩ gia đình với mức tối thiểu. Mức tối thiểu chính là chuẩn mà Bộ Y tế ban hành. Đối với bệnh viện cũng vậy, bất cứ một dịch vụ y tế nào thì Bộ Y tế đều có quy định mức giá tối thiểu, BHYT công sẽ chi trả theo mức giá tối thiểu đó cho tất cả các bệnh nhân, tại tất cả cơ sở y tế đạt chuẩn và được phép hoạt động.

Nếu mức giá của các cơ sở y tế được gắn sao cao hơn mức tối thiểu, bản thân người bệnh hoặc BHYT tư nhân sẽ chi trả phần phụ trội.

Người dân được quyền khám tại bất cứ cơ sở y tế nào. Đối với hệ thống bác sĩ gia đình, nếu muốn chuyển nơi khám bệnh ban đầu, người dân chỉ cần thông báo cho đơn vị quản lý BHYT nơi cũ hoặc nơi mới, đồng thời, thông báo cho phòng khám bác sĩ gia đình cũ và mới. BHYT công sẽ phải trả phí dịch vụ khám bệnh.

Tương tự vậy, người dân không bị bắt buộc phải điều trị nội trú tại một bệnh viện cố định nào. Giới thiệu nhập viện của bác sĩ gia đình chỉ là xác nhận người bệnh cần phải được nhập viện điều trị, bệnh viện mà bác sĩ gia đình giới thiệu chỉ là gợi ý, người bệnh có quyền nhập bất cứ bệnh viện nào mình muốn. Và BHYT công phải chi trả cho các dịch vụ y tế mà người dân sử dụng tại các bệnh viện mà họ điều trị theo mức giá quy định của Bộ Y tế.

BHYT công có thể lập bộ phận thanh tra, phát hiện việc lạm dụng BHYT công, hoặc các chiêu trò rút ruột BHYT công, nhưng những kết luận của bộ phận thanh tra của BHYT công nhất định phải có sự đồng ý của các chuyên gia y tế am hiểu chuyên môn.

Xác định rõ vai trò của y tế tư nhân

Nhà nước cần xác định rằng việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước. Sức khỏe và an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm mà bất cứ chế độ nào cũng phải quan tâm. Như vậy, với nguồn lực hạn hẹp, nhất định, Nhà nước phải cần đến sự tham gia của tư nhân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Việt Nam cần học tập Úc trong việc tư nhân hóa ngành y. Tại Úc, bất cứ lĩnh vực nào, khu vực nào trong y tế có thể sinh ra lợi nhuận, Nhà nước để cho tư nhân khai thác. Hiện nay, việc xã hội hóa theo hướng liên kết công - tư ở ta đã lấy mất một phần nguồn lực của Nhà nước lẽ ra dành cho toàn dân để phục vụ cho một số người có tiền. Trên thực tế, việc công - tư lẫn lộn hiện nay chỉ mang lại lợi ích cho những nhóm lợi ích và gây ra rất nhiều vấn đề phản cảm trong các bệnh viện công.

Đối với các cơ sở y tế công, Nhà nước sẽ phải trả chi phí đầu tư, chi phí vận hành, BHYT công trả phí dịch vụ y tế. Đối với một số bệnh viện, người dân hoặc BHYT tư nhân sẽ trả phần chênh lệch phí dịch vụ y tế nếu có. Đối với các cơ sở y tế tư nhân, Nhà nước không phải trả chi phí đầu tư, chi phí vận hành, BHYT công trả phí dịch vụ y tế, người dân hoặc BHYT tư nhân sẽ trả phần chênh lệch phí dịch vụ y tế nếu có.
Như vậy, Nhà nước sẽ có dôi ra một nguồn lực lớn về tài chính và tập trung nguồn lực này cho công tác y tế dự phòng và cho người nghèo, giảm thiểu số người phải hưởng lương từ ngân sách trong ngành y tế, từ đó nâng lương và thu nhập cho nhân viên y tế.

Vấn đề chính trong việc xác định vai trò của y tế tư nhân vẫn là tư duy của lãnh đạo, đặc biệt là niềm tin vào kinh tế tư nhân và đạo đức của y tế tư nhân. Xét về mặt dịch vụ, hiện nay, tỷ lệ người bệnh hài lòng trong các cơ sở y tế tư nhân lớn hơn so với y tế công.

Giải quyết bài toán nhân sự y tế

Hiện nay, chúng ta đang quản lý nhân sự theo lối cát cứ, tức là nhân sự thuộc quyền “sở hữu” của cơ quan chủ quản, và một nhân sự chỉ được có một cơ quan chủ quản. Các hợp tác, trao đổi nhân sự có thể thực hiện khá dễ dàng giữa các cơ sở y tế công với nhau, nhưng giữa công và tư thì gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc sử dụng nhân sự chuyên môn hóa cao của chúng ta ở các cơ sở y tế công hiện nay rất lãng phí, làm giảm hiệu suất làm việc chuyên môn, giảm chất lượng dịch vụ. Đơn cử như việc một bác sĩ chỉ có vài phút để khám một bệnh nhân, trong khi đó lại mất rất nhiều thời gian hoàn thiện các yêu cầu của BHYT công và những công việc hành chính khác.

Đối với những nhân sự chuyên môn y khoa, không thể một sớm một chiều, và bằng các biện pháp duy ý chí mà có được. Việc gia tăng số lượng đào tạo mà không có biện pháp kiểm soát chất lượng đào tạo như chúng ta đang làm có thể dẫn đến những thảm họa y khoa trong tương lai không xa.

Nhân sự chuyên môn y khoa cần được coi như một lực lượng lao động tự do, họ có quyền ký hợp đồng làm việc với một lượng thời gian nhất định với nhiều cơ sở y tế khác nhau, tự thỏa thuận thù lao, tự đóng thuế thu nhập cá nhân. Họ không bị bắt buộc chỉ được làm cho một cơ sở y tế, hoặc muốn hợp tác với ai thì chỉ được làm ngoài giờ và phải có sự đồng ý của lãnh đạo cơ sở.

Trách nhiệm lấp đầy nhân sự cho cơ sở y tế thuộc về lãnh đạo cơ sở. Từ đó, các cơ sở y tế sẽ tìm cách giảm thời gian tham gia vào các công việc hành chính của nhân sự y tế cao cấp, tận dụng tối đa thời gian mà nhân sự y tế làm việc cho mình, tăng hiệu suất làm việc của họ.

Khi mà nhân sự có thể tự do như vậy, thì những ngăn cách tuyến sẽ không còn, ngăn cách công - tư cũng bị xóa nhòa. Sự tồn tại và phát triển của các cơ sở y tế khi ấy chỉ còn phụ thuộc vào khả năng quản trị của mình, sẽ tự xác định hướng đi của mình. Riêng hệ thống y tế công vẫn thường xuyên phải xác định xu hướng của thị trường để lấp đầy các lĩnh vực và khu vực mà y tế tư nhân không “mặn mà”.

Trên đây là những phác thảo về mặt đường lối, chính sách, nhằm phát triển y tế Việt Nam.