Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Ai đang "xin đểu" doanh nghiệp?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, trong khi Chính phủ và Thủ tướng rất nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì ở địa phương vẫn có chuyện nhũng nhiễu.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (Đại biểu tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ sự ghi nhận với những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Đặc biệt là sự sâu sát trong từng lời nói, từng hành động của lãnh đạo Chính phủ, đúng với định hướng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, nói không với tiêu cực.

Đồng thời, ông Cương cũng bày tỏ sự lo ngại nếu như không nâng cao được chất lượng quản lý nhà nước nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, nhất là không chống được nhũng nhiễu và tiêu cực thì không thể đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu có đạt được thì cũng không như mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ra câu hỏi: Chính phủ thì quyết tâm là vậy, nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân là gì?

Ông Cương phân tích: "Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội là những bức xúc đó có chung một nguyên nhân, đó là do đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên được gì mà nó được tạo nên bởi hành động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Thực tế thì những vấn đề xảy ra đều có thể giải thích là do buông lỏng quản lý. Sự giải thích đó luôn luôn đúng và mãi mãi đúng.

Công tác quản lý bây lâu nay vẫn chạy theo những vấn đề cần quản lý mà đáng lẽ ra quản lý thực chất cần đi trước một bước.

Chúng ta cứ thấy sập mỏ khai thác đá hàng chục người chết; sạt lở bãi thải vài gia đình bị chôn vùi; lật du thuyền trái phép vài chục người chết; nhiều vụ cháy trong đó có vụ cháy cơ sở ka-ra-ô-kê vừa mới xảy ra.

Cứ xảy ra thì chính quyền mới lập cập chạy đến và tuyên bố sẽ rà soát và xử lý nghiêm vi phạm, mà lẽ ra việc đó phải làm từ lâu rồi, chứ không phải để đến lúc có vi phạm.

Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đông như thế và tinh giản đội ngũ này gần như dậm chân tại chỗ. Thử hỏi số lượng số lượng cán bộ công chức nhiều mà việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì nhiều để làm gì?".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu ra thực trạng rất đáng lo ngại khi cho biết, có nhiều doanh nghiệp nhỏ nói với ông rằng, chính quyền, lực lượng chức năng đóng trên địa bàn biết trên địa bàn có bao nhiêu doanh nghiệp và kinh doanh gì họ cũng biết tuốt.

"Việc thăm hỏi là thường xuyên, không phải để kiểm tra, xem xét vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Một số người bức xúc gọi đấy là... xin đểu.

Trước thì chỉ xin hỗ trợ dịp Tết nguyên đán, nay thì ngày lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin.

Việc cho bao nhiêu là tùy tâm, nhưng nếu không cho thì sẽ phải chuốc lấy sự khó dễ, mặc dù doanh nghiệp chẳng làm gì sai cả, nhưng cũng đành chấp nhận.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phù thì quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Đất nước muốn phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp rất quan trọng. Nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả bị giảm đi rất nhiều", ông Cương bày tỏ lo lắng.

Thoái vốn nhà nước có bị lợi dụng?

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước.

Mặt tích cực thì rất đáng ghi nhận, nhưng còn mặt trái, mặt tiêu cực cũng rất đáng phải quan tâm, vì thất thoát trong cổ phần hóa cũng không nhỏ.

Cổ phần hóa đi liền với nó là thoái vốn nhà nước, giá trị đất đai. Phần còn lại chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã bị trục lợi mà kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Tổng Công ty đường sắt mới đây là một thí dụ khá điển hình.

Ông Cương cho biết: "Một người bạn làm ở doanh nghiệp vừa được cổ phần hóa mới đây tiết lộ với tôi rằng việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại địa phương là do Sở Tài chính chủ trì.

Doanh nghiệp được vào thực hiện đánh giá, định giá tài sản cũng do Sở Tài chính lựa chọn. Trước khi công bố phải báo cáo Sở. Thí dụ, xác định giá trị còn lại là 100 tỷ thì Sở nói làm gì mà cao thế.

Vậy là doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp định giá lại lo điều chỉnh lại và phải quên đi kết quả họ đã xác định. Nhưng để ‘giữ gáo’ thì các doanh nghiệp vẫn cứ lưu giữ ‘bảo bối’ phòng khi có biến.

Vậy giá trị vênh ra giữa giá trị thật và giá trị điều chỉnh ai hưởng? Sự thật việc đó đến đâu xin dành cho cơ quan thanh tra, điều tra làm rõ.

Chỉ biết rằng, chủ trương thì rất đúng nhưng trục lợi thì không nhỏ. Qua cổ phần hóa thoái vốn nhà nước, nhà nước bị mất rất nhiều. Chỉ cần thanh tra một vài doanh nghiệp vừa cổ phần hóa là có ngay câu trả lời".