(TBKTSG) - Tại hội nghị quốc tế về vai trò của y tế gia đình diễn ra mới đây ở TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình.
Nghịch lý chăm sóc y tế
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thành viên Hội Bác sĩ gia đình thế giới (WONCA), một thực tế hiện nay của ngành y tế Việt Nam là các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều bị quá tải. Các bệnh viện này phải điều trị cả những triệu chứng thông thường như hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu..., trong khi các trạm y tế phường/xã, dù hiện diện ở gần dân hơn, lại rất vắng vẻ bệnh nhân.
Theo BS. Hiệp, thực trạng trên không chỉ là một nghịch lý trong vấn đề chăm sóc sức khỏe mà còn gây tốn kém nhiều tiền bạc của bệnh nhân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe rất cần được tổ chức lại sao cho các trạm y tế, các bác sĩ gia đình là nơi khám chữa bệnh ban đầu, giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện. Điều này phụ thuộc vào cơ chế, chính sách và sự đầu tư tài chính hợp lý hơn của Nhà nước.
Sau bốn năm triển khai phòng khám bác sĩ gia đình ở phường 10, quận 10, BS. Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng trạm y tế phường này, cho biết có rất ít người dân đến khám chữa bệnh, người bệnh thường chạy lên các bệnh viện tuyến trên. Theo BS. Bích, danh mục thuốc ở trạm y tế rất hạn chế, ví dụ như không có thuốc chữa tiểu đường, không có ống thuốc xịt trị hen phế quản... Hơn nữa, trạm y tế cũng không thể tuyển dụng bác sĩ mới ra trường vì không có chính sách đãi ngộ, không có điều kiện nâng cao tay nghề, làm việc ở đây họ cũng không đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề... Do những bất cập kể trên, trạm y tế này trước đây từng quản lý hơn 200 hồ sơ bệnh nhân nhưng đã dần rơi rụng, đến nay chỉ còn hơn 100 hồ sơ.
Nhìn vào vấn đề tài chính y tế, bà Nguyễn Thị Kim Phương, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đặt vấn đề phải chăng hệ thống y tế cơ sở yếu đi có nguyên do từ chính sách bảo hiểm y tế? Hiện nay, bảo hiểm y tế chi từ bệnh viện huyện lên đến bệnh viện trung ương vào khoảng 99% kinh phí, chỉ còn 1% chi cho tuyến dưới là vô cùng bất hợp lý, cần phải đảo ngược.
Theo GS.BS. Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, một nền y tế để cho người bệnh (và cả thân nhân người bệnh) cứ phải đi lên các bệnh viện tuyến cao, chuyên sâu, vừa xa xôi vừa tốn kém một cách không cần thiết là điều rất dở. Hiện nay, thế giới đang tiến tới nền y học cá thể, nhân viên y tế hiểu được cơ chế bệnh, biết rõ về người bệnh, tiền căn, hoàn cảnh sống của họ... Với sự chăm sóc của bác sĩ gia đình, bệnh nhân không phải chi trả quá nhiều chi phí y tế mà vẫn được phục vụ đến nơi đến chốn - theo nghĩa của WHO là chăm sóc toàn diện, liên tục. Vấn đề phát triển y học gia đình chẳng những khoa học, nhân văn mà còn rất kinh tế.
Để phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình
Theo GS. Trần Đông A, muốn dịch vụ y tế gia đình sớm hình thành và phát triển cần phải có chính sách từ Quốc hội và Chính phủ thì mới có kinh phí ban đầu để triển khai, mới có động lực hình thành chương trình đào tạo thích hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
Hiện nay, trình độ chăm sóc sức khỏe của mạng lưới bác sĩ gia đình có thể nói là chưa đạt. Dễ thấy nhất là chưa có quy định về giá khám chữa bệnh cũng như việc bảo hiểm y tế sẽ chi trả như thế nào. Dịch vụ chăm sóc y tế gia đình có thể chỉ mới có bề rộng, còn chưa có bề sâu, chưa đồng đều, chưa có sự cạnh tranh.
Để có mô hình bác sĩ gia đình thành công, theo BS. Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bệnh viện cần phải được trả về đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó, không phải là nơi điều trị “sổ mũi, nhức đầu”. Bệnh viện ngày nay phải theo xu thế “giảm số lượng giường bệnh - tăng chất lượng giường bệnh - rút ngắn ngày điều trị - giảm ngày tái nhập viện - điều trị ngoại trú - điều trị trong ngày”, đáp ứng đúng nhu cầu, tâm lý người dân là “không ai bệnh mà muốn nhập viện, vừa bất tiện vừa tốn kém”.
Muốn giảm cung cấp dịch vụ y tế ở bệnh viện để chống quá tải thì phải tổ chức cung cấp dịch vụ y tế ở cộng đồng. Xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình chính là biện pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này, và vấn đề này đòi hỏi một hành lang pháp lý để hoạt động; bác sĩ cần được đào tạo bài bản và phải có mối quan hệ chặt chẽ trong hệ thống ngành y tế.
Hành lang pháp lý, trước hết là pháp luật phải thừa nhận vị trí, vai trò của mạng lưới bác sĩ gia đình để có cơ chế cho nó hoạt động; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bác sĩ gia đình trong mối quan hệ với bệnh nhân, với toàn bộ hệ thống y tế, với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Việc đào tạo phải chuẩn mực, bác sĩ gia đình phải giỏi toàn diện mới thực hiện được chức năng, nhiệm vụ chăm sóc ban đầu; chẳng những điều trị mà còn không để bệnh tật xảy ra cho thân chủ của mình, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ. Việc phát triển mạng lưới này rất cần tránh hình thức, “đông mà không tinh” để rồi bệnh nhân lại sẽ đổ dồn về bệnh viện.
Tóm lại, theo BS. Dũng, để hình thành mạng lưới bác sĩ gia đình thành công, không thể thiếu bàn tay của Quốc hội và Chính phủ mà chủ lực là Bộ Y tế. Ngành y tế cần mạnh dạn xin làm thí điểm ở TPHCM. Nếu hệ thống bác sĩ gia đình mà không thành công thì ngành y tế vô phương giảm quá tải ở bệnh viện.