(GDVN) - Đã đến lúc phải nhận thức lại vai trò của bộ máy hành chính giáo dục mà đứng đầu là Bộ Giáo dục. Đây không phải là cơ quan kiểm soát mà phải là cơ quan tư vấn.
Sự mâu thuẫn trong chỉ đạo
Đọc công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kí ngày 03 tháng 10 năm 2017 một cách bình tĩnh, tôi nhận thấy trong văn bản này chứa đựng sự mâu thuẫn khi nó vừa tạo cơ sở để tiến hành các biện pháp thúc đẩy cải cách vừa tạo ra rào cản cho công việc đó.
Chẳng hạn tinh thần “hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản …phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường” là phù hợp với tinh thần giáo dục hiện đại.
Ở bất cứ một nền giáo dục tiên tiến nào, việc tinh giản (thực ra phải nói là tinh tuyển) các kiến thức khoa học để đưa vào sách giáo khoa cũng là điều đương nhiên.
Bởi lẽ, tốc độ phát triển của khoa học ngày càng nhanh, các thành tựu khoa học gia tăng nhanh chóng mâu thuẫn với thời gian dành cho học tập các môn giáo khoa ở trường có giới hạn.
Có nghĩa là, trong một khoảng thời gian hữu hạn, người ta sẽ buộc phải tính toán để lựa chọn các kiến thức cơ bản nhất dựa trên những tiêu chuẩn nhất định để đưa vào sách giáo khoa.
Cũng theo tinh thần đó, kể cả sau khi đã đưa các thành tựu khoa học vào sách giáo khoa việc lựa chọn những tri thức nào để dạy cho học sinh để phù hợp với trình độ, nhu cầu của học sinh ở trong thực tiễn lại cũng sẽ được đặt ra.
Chính vì vậy “phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường” là một yêu cầu tất yếu và cơ bản xét về mặt lý luận.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là ở phần sau, văn bản chỉ đạo này lại có những nội dung mâu thuẫn với tinh thần trên như “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.
Rõ ràng, chỉ đạo này mâu thuẫn trực tiếp với nội dung “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu” đứng ngay trước đó.
Những thông tin được gọi là “cập nhật”, “mới” đương nhiên sẽ là thông tin sẽ không nằm trong sách giáo khoa. Như vậy là nội dung sau của văn bản phủ nhận luôn nội dung trước đó.
Tư duy truyền đạt chân lý và tư duy coi sách giáo khoa là “chân lý tuyệt đối”
Mâu thuẫn trong văn bản chỉ đạo nói trên chỉ là “vô tình” hay nó thể hiện sai lầm trong tư duy tiếp cận?
Tôi cho rằng, mâu thuẫn nói trên thể hiện sự giằng xé, lúng túng trong tư duy về sứ mệnh của giáo dục trường học và mối quan hệ giữa nội dung giáo dục-chương trình giáo dục-sách giáo khoa với thực tiễn giáo dục của giáo viên ở trường học.
Rõ ràng, công văn này đã thể hiện tư duy cho rằng vai trò của giáo dục trường học và giáo viên đơn giản là “truyền đạt tri thức” và hệ thống tri thức này được tập hợp lại trong chương trình-sách giáo khoa.
Một khi quan niệm như vậy thì chuyện bổ sung tri thức vào sách giáo khoa hay cắt bỏ chúng khỏi sách giáo khoa sẽ được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng giáo dục và tránh cho học sinh…quá tải.
Tuy nhiên, sứ mệnh của giáo dục trường học và của thầy cô nhìn từ góc độ lý luận giáo dục hiện đại không đơn giản như vậy.
Trong xã hội truyền thống và xã hội buổi đầu thời cận đại, người thầy-những người có học vấn, được đào tạo là những người thuộc nhóm thiểu số nắm trong tay các tri thức khoa học mà đại chúng chưa có.
Trường học là nơi hội tụ những người như thế, vì vậy quyền lực tri thức của trường học và giáo viên là tuyệt đối.
Biểu tượng của uy quyền trường học là người thầy và sách giáo khoa. Tính đúng đắn của chân lý cũng được tham chiếu và hồi quy vào đó.
Tuy nhiên, trong xã hội toàn cầu và thông tin hóa ở mức độ ngày càng cao như hiện nay, người thầy và trường học không phải là nơi duy nhất cung cấp các tri thức khoa học cho học sinh nữa.
Học sinh có thể học từ nhiều người và học trong nhiều không gian khác nhau (xã hội, mạng internet, thư viện, bảo tàng, đời sống, câu lạc bộ…).
Địa vị độc tôn tri thức của sách giáo khoa và người thầy giảm dần, thay vào đó là vai trò khơi gợi cảm hứng và dẫn dắt, chỉ đường cho học sinh.
Chính vì vậy mà ở Nhật Bản từ sau năm 1945 ngay cả trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục, người ta cũng tránh không từ “giảng dạy” khi nói về công việc của giáo viên mà thay vào đó là “hướng dẫn”, “trợ giúp”, “chỉ đạo”…
Với tư duy như vậy nên ở Nhật, sách giáo khoa sẽ chỉ là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng. Việc sử dụng sách giáo khoa như thế nào là chuyện đương nhiên của của giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta không thay đổi tư duy đối với vai trò của sách giáo khoa, việc tranh luận xung quanh chuyện cắt bỏ chỗ này, thêm thắt chỗ kia cho dù là một công việc đương nhiên thì khi áp dụng sách giáo khoa mới sẽ đi vào ngõ cụt hoặc không đem lại tác dụng gì.
Lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa chương trình-sách giáo khoa và thực tiễn giáo dục
Việc yêu cầu giáo viên dạy cái này, cái kia, cắt bỏ cái này cái kia trong sách giáo khoa cho thấy, phải chăng lâu nay các cấp quản lý quan niệm nội dung giáo dục gần như là trùng khớp với nội dung chương trình, hoặc hẹp lơn là nội dung sách giáo khoa.
Một khi quan niệm như vậy thì lô-gic cần phải cắt bỏ cái này, cái kia theo mệnh lệnh hành chính từ trên xuống là …đương nhiên.
Trên thực tế thì từ rất lâu, khi có chỉ đạo “giảm tải” đối với chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, việc cắt chỗ nọ chỗ kia một cách cơ học đã được thực hiện.
Hệ quả của việc cắt bỏ như vậy cùng với tư duy dạy học là truyền giảng tri thức đã làm cho những kiến thức truyền dạy bị cắt khúc, mất đi sự mạch lạc…
Trong quan niệm tuyệt đối hóa vai trò sách giáo khoa và coi nội dung chương trình-sách giáo khoa gần như trùng khớp với nội dung giáo dục, thực tiễn giáo dục đã khiến cho vai trò sáng tạo của giáo viên không được ý thức đầy đủ.
Điều này khiến cho 1000 giáo viên dạy ở 1000 địa phương đã dạy một nội dung gần như là giống nhau hoàn toàn.
Để chứng minh điều này rất dễ chỉ cần xem giáo án của 1000 giáo viên đó và vở ghi của các học sinh họ dạy sẽ thấy chúng giống nhau đến…giật mình.
Gần đây, đã có những động thái cho phép các trường xây dựng và thực hiện “chương trình trường học” , thúc đẩy giáo viên tiến hành “nghiên cứu bài học”…rồi thừa nhận cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa”;
Xét về mặt chiến lược, đây chính là những động thái hợp lý hướng đến xây dựng một nền giáo dục dân chủ, hiện đại.
Tuy nhiên, có thể do chưa thực sự hiểu bản chất và vướng phải cơ sở nền tảng, môi trường phù hợp cho nên khi thực hiện nó đã lộ rõ nhưng bất cập hoặc mâu thuẫn.
Chẳng hạn, trong khi muốn thực hiện “chương trình trường học” thì lại đồng thời muốn “tăng cường quản lý”;
Muốn có “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” trong khi lại mãi vẫn chưa công bố được quy chế biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa;
Và điều đặc biệt đáng lưu ý là chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn trực tiếp làm sách giáo khoa cũng như lựa chọn các tác giả để viết các bộ khác.
Trong tư duy và cách làm đầy mâu thuẫn như thế, cải cách giáo dục sẽ gặp bế tắc và làm cho giáo viên lâm vào cảnh “như gà mắc tóc”.
Việc quan tâm, chú ý đến điều kiện thực tế của trường học, địa phương trên thực tế sẽ không có nhiều ý nghĩa vì cả cấp quản lý và giáo viên không hình dung và ý thức được đầy đủ vai trò của “thực tiễn giáo dục”.
Không ai có thể làm thay, nghĩ thay giáo viên
Trong cải cách giáo dục theo hướng hiện đại hóa nền giáo dục và hòa nhập với giáo dục thế giới, dù muốn dù không, việc dân chủ hóa, phân quyền cho các địa phương là không thể tránh khỏi.
Nhược điểm cơ bản của nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam là bộ máy hành chính giáo dục quá lớn, và tập trung hóa cao độ.
Các cấp quản lý giáo dục mấy chục năm qua chỉ đạo bằng mệnh lệnh, can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ vào nội dung giáo dục cũng như sinh hoạt trường học.
Chính thực tế này đã trở thành lực cản của cải cách và hạn chế sự sáng tạo của giáo viên.
Đã đến lúc phải nhận thức lại vai trò của bộ máy hành chính giáo dục mà đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây không phải là cơ quan kiểm soát mà phải là cơ quan tư vấn, trợ giúp để tạo ra môi trường tốt nhất cho hoạt động giáo dục của nhà trường, giáo viên.
Trên nền tảng tư duy ấy, việc tự chủ nội dung và phương pháp giáo dục của giáo viên phải được tôn trọng và đảm bảo. Đây là điều kiện tiên quyết để cải cách giáo dục thành công.
Nếu không đảm bảo và khuyến khích tối đa điều này, cải cách giáo dục chắc chắn sẽ thất bại cho dù có tiêu tốn hàng trăm nghìn tỉ đi nữa.
Nói một cách ngắn gọn, dạy gì, dạy như thế nào là quyền của giáo viên. Cả cơ quan quản lý và giáo viên cần phải ý thức sâu sắc điều đó để phát huy vai trò của mình cũng như là có được trách nhiệm trước nhân dân.