Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Cách chức Bí thư Xuân Anh: Bài học điển hình khi đề bạt cán bộ trẻ

Ngọc Lương

(Dân Việt) “Lựa chọn, quy hoạch cán bộ trẻ làm lãnh đạo là tốt, nhưng người trẻ đó phải thế nào? Người trẻ đó phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ, từng trải trong thực tiễn, có những cống hiến được người dân ghi nhận. Còn nếu đưa người trẻ lên nhanh khi họ chưa đủ tầm, đủ tầm dễ thành “chín ép”, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nói.

Đề bạt cán bộ trẻ ít trải nghiệm dễ bị “chín ép”

Nhìn nhận về việc ông Nguyễn Xuân Anh vừa bị Ban chấp hành T.Ư thi hành kỷ luật, ông Lê Văn Cuông cho biết: Qua tìm hiểu về quá trình thăng tiến và hoạt động gần 2 năm của nguyên Bí thư Đà Nẵng Xuân Anh có thể thấy ông này chưa có đóng góp nào thực sự nổi bật, tuy nhiên nhiều phát ngôn có vẻ mạnh mẽ, thể hiện cá tính.

“Nếu ở vào trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) còn có thể hiểu được. Nhưng với ông Nguyễn Xuân Anh, chưa có công lao gì mà phát ngôn mạnh như vậy, nhiều người sẽ cho rằng mang nặng tính trình diễn”, ông Cuông đánh giá.

Vẫn theo nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh là cán bộ còn trẻ, con đường thăng tiến còn rộng nhưng đã “dính” ngay vào vấn đề lợi ích vật chất như sử dụng xe ô tô biếu tặng, sử dụng nhà doanh nghiệp (kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư-PV). Như vậy là người có tâm không sáng, bản lĩnh không vững vàng, dễ bị cám dỗ nên thất bại là điều không có gì bất ngờ.

Ông Lê Văn Cuông đánh giá, vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh có thể coi đó là bài học điển hình về công tác cán bộ, nhất là với cán bộ trẻ.

“Lựa chọn, quy hoạch cán bộ trẻ làm lãnh đạo là tốt, nhưng người trẻ đó phải thế nào? Phải là người có bản lĩnh, có trí tuệ, có sự từng trải trong thực tiễn, có những cống hiến được người dân ghi nhận. Nếu đưa người trẻ lên nhanh mà họ không đủ tâm, đủ tầm dễ thành “chín ép”, ông Cuông nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đối với một cán bộ trẻ thăng tiến quá nhanh quá, vấn đề đặt ra là đã đủ thời gian cho họ rèn luyện, đủ thời gian để tổ chức đánh giá đúng thực chất về tâm, về tầm của người cán bộ chưa.

Theo ông Lê Như Tiến, trong công tác cán bộ, người chưa đủ tầm, chưa từng trải nhiều lên làm lãnh đạo quá nhanh sẽ khiến họ dễ có sự ngộ nhận cho rằng mình tài giỏi, là người Đảng và Nhân dân đang cần. Từ đó dẫn tới việc chủ quan, không lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, của người dân; không tự rèn luyện tu dưỡng, không biết mình là ai, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.

Trao quyền lực phải kiểm soát

Trong vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh, có một điều cũng cần nhắc tới là việc kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng bên Đảng lấn át chính quyền, làm thay việc của chính quyền như kết luận mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra.

Mới đây khi trao đổi với báo chí về công tác cán bộ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, nếu như trong tổ chức có những người quan liêu không nắm rõ cán bộ, thấy có một vài thành tích thì tâng họ lên, không chỉ ra nhược điểm khiến cán bộ tự kiêu, nhược điểm không được khắc phục sẽ khiến họ thoái hóa dần. Việc đó không kịp thời uốn nắn thì cán bộ tốt sẽ trở thành xấu.

“Mất cán bộ là điều rất đau, vì để bồi dưỡng một cán bộ trưởng thành đòi hỏi rất nhiều vấn đề. Mất một người cán bộ tức là thiệt hại cho cách mạng. Cho nên công tác cán bộ đòi hỏi sự công phu, liên tục, không phải bầu ra hoặc bố trí vào các vị trí công tác xong là thôi. Chúng ta chưa có sự giám sát cán bộ đến nơi đến chốn. Chúng ta vẫn nói quần chúng giám sát, cái đó có, nhưng các cấp quản lý trực tiếp và gián tiếp cán bộ lại chưa giám sát chặt chẽ. Việc này mà buông lỏng sẽ dẫn tới chuyện cán bộ có vi phạm nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời”, nguyên Tổng Bí thư nói.

Đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, ông Lê Như Tiến cho rằng, khi tổ chức đã trao quyền lực cho cán bộ nào đó thì thường xuyên kiểm tra, giám sát. “Người có quyền nếu không bị kiểm soát dễ dẫn tới việc họ lạm quyền, lộng quyền rồi chuyên quyền. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được quyền lực”, ông Tiến nói.
***

Theo TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực ngang cấp làm tốt, bên cạnh đó là cơ chế kiểm soát quyền lực theo hệ thống dọc (trên xuống dưới) cũng được làm mạnh, sẽ trở thành hai gọng kìm khiến cho cán bộ tuy ở vị trí quyền lực nhưng không thể lộng quyền, tha hóa quyền lực dẫn tới những hành vi vi phạm. Hiện nay cơ chế này chúng ta đã có vấn đề có phát huy tốt hay không.