Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

“Học giá”

ANH ĐÀO

LĐO - Đây là từ ngữ tràn ngập mạng xã hội từ sáng qua, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội cho biết, sẽ sửa đổi quy định để chuyển học phí sang giá dịch vụ đào tạo. Và “học giá” - cũng đang là cách người dân phản ứng - không chỉ bởi cái tên.

Việc sửa đổi dựa trên lập luận: Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo...

Và với luật sửa đổi, nêu cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, giá dịch vụ đào tạo sẽ “tính đúng tính đủ” lô lốc các khoản tiền: Dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh, các khoản thu dịch vụ khác (Điều 65 luật sửa đổi).

CPI tháng 5 vừa được công bố 1 ngày đưa ra một kỷ lục: Tăng 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 6 năm từ năm 2012, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.

Nhìn rổ hàng hóa dịch vụ, 9/11 nhóm hàng tăng giá trừ giáo dục không đổi và bưu chính viễn thông giảm 0,14%.

Điều gì sẽ xảy ra trước mỗi mùa khai trường?

Nhóm hàng hóa dịch vụ giáo dục tăng khủng khiếp, từ sách giáo khoa, thiết bị trường học... Và cả những khoản không tính vào CPI như các loại quỹ có tên và không tên trong giáo dục.

Nói thật, tăng giá, phí đang khiến người dân mệt mỏi đến sợ hãi.

Đã đành giáo dục đại học cần đổi mới. Nhưng với cách nói đến tiền bạc, dù tên gọi là gì, dự luật đang gây ra cảm giác rằng sửa luật chỉ nhằm tạo cơ sở để thu tiền, dù đó là học phí hay “học giá”.

Hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói rằng, cơ quan thẩm tra “không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.

Và lý do không hoàn toàn chỉ là chuyện cái tên, bởi: Khái niệm “học phí” vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

Học phí, và giờ có thêm “giá dịch vụ giáo dục” tồn tại song song, được đẻ ra từ luật sửa đổi, trong khi chưa hề rõ ràng nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ đào tạo làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể.

Điều gì sẽ xảy ra nếu luật nào sửa đổi cũng lại có khoản thu mới, với những cái tên mới?

Điều gì sẽ xảy ra sau đó, với đời sống người dân, với cả nền kinh tế?