(GDVN) - Đây chỉ là một trong nhiều câu văn ngô nghê, siêu tưởng tượng của thí sinh thi quốc gia môn ngữ Văn năm nay mà các thầy cô chấm thi ghi nhận được...
Mỗi lần đi chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây và thi trung học phổ thông quốc gia 4 năm qua, tôi và nhiều đồng nghiệp khác dạy môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông có biết bao nhiêu suy tư, cảm xúc vui, buồn lẫn lộn về chất lượng làm bài thi môn Ngữ văn của các cô, cậu học trò lớp 12 thời nay.
Thật vui, hứng khởi khi chấm trúng những bài văn đáp ứng tốt yêu cầu của Hướng dẫn chấm, cảm nhận, phân tích sâu sắc, sáng tạo, ý tứ lưu loát, chữ nghĩa rõ ràng.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá rất cao và không ngại ngần cho điểm, thống nhất điểm ở mức 8,5; 9; 9,5.
Tuy nhiên, gặp được những bài văn viết tốt như thế không nhiều, ngày càng ít đi.
Số lượng bài khi đọc lên giám khảo phải cau mày, khó chịu và không khỏi bật cười ngày càng nhiều.
Một cô giáo viên môn Văn ở một trường trung học phổ thông thuộc Thành phố Quảng Ngãi từng có nhiều năm đi chấm thi cho biết:
“Nhiều em chữ viết quá xấu, rất khó đọc, theo dõi, lắm lúc giám khảo chúng tôi phải dịch từng chữ, mới lần ra được ý của thí sinh. Lỗi chính tả thì nhiều vô kể.
Có bài của thí sinh viết chưa đầy 3 trang giấy thi, giám khảo chấm nhẩm đếm được trên một trăm lỗi chính tả”.
Trong quá trình đi chấm thi, tôi còn ghi nhớ lại được những câu văn, những từ ngữ, cách so sánh, liên tưởng... ngây ngô, vụng về, sai lạc đến mức không thể tưởng tượng nổi của thí sinh.
Đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 ở Câu 2: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.
Không ít bài làm của thí sinh có những liên tưởng, lời văn không ăn nhập vào đâu.
“Trong thời đại mới vấn đề tuổi trẻ là thiên liên (thiêng liêng) và được đặt lên trên hết, bởi tuổi trẻ là búp măng non;
Hiện nay để giảm áp lực của sự đau thương nhiều tổ chức thế giới ủng hộ cho những người phải chịu sự đau thương ấy, như vợ bỏ chồng, cha đánh con...;”
“Có rất nhiều người yêu thường con người bằng cách cho tiền họ, cho những đồ dùng, vật dụng mà mình không dùng nữa hoặc chỉ bằng một ánh mắt, một cái nhìn cảm thông hoặc một cái bắt tay, một cái ôm hôn thật chặc (chặt) đó cũng là yêu thương...”.
Mở đầu cho câu 2, một thí sinh viết: “Trong các loài gia súc, động vật có nhiều loại lòng như lòng gà, lòng vịt, lòng chó, lòng heo, lòng dê. Nhưng không thể so sánh với lòng yêu thương của con người.”
Trong phần trả lời câu 3b “Phân tích đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh”, thay vì cảm nhận, phân tích đúng đắn ý nghĩa, giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ thì vô số bài thí sinh lại bàn luận, tán về chuyện tình yêu.
“Bà Xuân Quỳnh là cháu ông Xuân Diệu. Bà Xuân Quỳnh được ông Nguyễn Du mệnh danh là bà chúa thơ tình thứ thiệt; “Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể”.
Như đôi mắt của con người. Nó sống cùng nhau, cười cùng nhau,khóc cùng nhau, cùng nhau ngắm nhìn và cùng nhau ngủ nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy được nhau”.
“Tình yêu thương phải nhắm mắt trước khi hôn, tình yêu có lúc lên, có lúc xuống như nước thủy triều đó thôi;
Tình yêu là đề tài được các nhà thơ quan tâm và dòm nhóm liên tục, thường xuyên;
Sóng là một chàng trai khù khờ, dại dột, một thân một mình, thế cô, thân cô, tự mò ra tận bể để tìm người đàn bà mà mình chót yêu.”
“Dù con sóng ngày trải qua biết mấy chục năm hay hàng ngàn năm thì nó vẫn là con sống (sóng) và cho đến sau này thì con sóng vẫn là con sóng Xuân Quỳnh muối nói lên dù con người ta có thay đổi về mặt hình thức trải qua mấy chục năm đi nữa thì ta vẫn là chính ta, ta có thay đổi nhiều đi nữa thì ta không trở thành người khác được về tính cách và cách nói chuyện hay suy nghĩ cũng chính là ta mà thôi.”
Thầy giáo Lê Xuân Chiến, một đồng nghiệp, đồng môn của tôi đang công tác tại trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), tham gia chấm thi môn Ngữ văn trung học phổ thông quốc gia năm 2016 có nhận xét:
“Những tưởng như những thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2016 tại cụm trường đại học chủ trì (xét tốt nghiệp và đại học) là những em khá, giỏi hoặc ít ra cũng thuộc loại “trung bình khá” trở lên, còn những thí sinh thi cụm địa phương (chỉ xét tốt nghiệp) thì yếu hơn.
Nào ngờ, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có không ít em kiến thức yếu, kém, đặc biệt là trong bài thi môn Văn.”
Đồng thời thầy Chiến cũng đưa ra hàng loại câu văn, đoạn văn “gây sốc” nặng của thí sính đăng trên báo Người lao động.
Trong câu 4, phần đọc hiểu, đề bài yêu cầu thí sinh bày tỏ cảm nghĩ về tiếng Việt (qua một đoạn trích trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ), có em viết:
“Tiếng Việt có 29 từ trong bảng chữ cái, không có W, Z. Tiếng Việt phát âm nhiều cách, chẳng hạn: tại sao vậy, vì răng rứa, cái chi đó, cái gì thế?”.
Có em thì viết: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Tiếng Việt thật rắc rối, kì cục nên không thể giao tiếp với nước ngoài phải nói tiếng Anh”.
Ở câu 8 (phần đọc hiểu) khi nói suy nghĩ về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”, có em so sánh rất “bất ngờ”:
“Cái tuyệt đối cá nhân nó giống như một con chim nhốt trong lồng, chỉ biết ăn thức ăn có sẵn, nhảy lên nhảy xuống và kêu nên có chuyện gì xảy ra thì không giải quyết được”.
Lại có em viết: “Sống khép kín là nhốt mình vào chốn lao tù thì thử hỏi chốn lao tù bạn còn ham muốn làm gì”.
Phần làm văn, câu 1 (nghị luận xã hội), đề bài yêu cầu thí sinh bàn luận về ý kiến “Sự hèn nhát khiến con người đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”.
Có thí sinh mở bài bằng một câu sau: “Con người luôn có hai phần đen và trắng, tính cách con người cũng có hai phần là dũng khí và hèn nhát”.
Một thí sinh khác, có lẽ là “fan” bóng đá nên đưa cầu thủ Ronaldo vào dẫn chứng, với lời bình đậm chất bóng đá:
“Thực tế như Cristiano Ronaldo cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới hiện tại một khi đã bỏ qua cái tôi của chính mình, bỏ qua cơn khát ghi bàn để phá kỷ lục thì đội Bồ Đào Nha chơi thật gắn hết, cực kỳ khó chịu và thành quả là một vé vào bán kết Euro 2016”.
Bàn về dũng khí có em cho rằng “tuổi trẻ thời @ phải nổi loạn hơn 1 tý, độc, dị, quậy, chảnh sẽ giúp cuộc sống ngạc nhiên thú vị hơn, cần gì hot girl, hot boy sống ảo tưởng trên facebook”.
Câu nghị luận văn học (câu 2, phần Làm văn), vấn đề nghị luận là “tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.
Nhưng nhiều thí sinh không hiểu đề, cứ “kể chuyện” từ đầu đến cuối, thậm chí cũng không nhớ gì để kể nên nhầm lẫn tai hại, “lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia”.
Có em nhầm lẫn truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân với truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài:
“Tình huống truyện nói lên cái bất thường của con người là thị vợ Tràng bị A Phủ bị bắt về cúng trình ma nhà thống lý Pá Tra để gạt nợ cho người cha”.
Có em thì nhầm với truyện “Chí Phèo”: “Thị theo Chí Phèo về làng Vũ Đại ở túp lều ven sông”.
Đang chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, những giám khảo chấm thi môn Văn tiếp tục gặp vô số cách diễn đạt ngô nghê, củng lủng, câu văn cười “chảy nước mắt” của nhiều thí sinh ở các Hội đồng chấm thi.
Một bài làm của một thí sinh (rút ngẫu nhiên) đem ra chấm chung, giám khảo được phân công đọc và chấm trước tổ chấm, hàng trăm giám khảo cười đến đau bụng khi thí sinh kể lể, chiết tự, thế nào là “Đất”, thế nào là “Nước”, tại sao là “nơi anh đến trường”, tại sao là: “nơi em tắm”… trong Đoạn thơ trích đoạn “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Cuối cùng thí sinh kết luận những câu nghe “xanh rờn: “Đất và nước là chỗ để tắm, gặt, là chỗ để trồng trọt, chăn nuôi tôm, cá, ngang, ngỗng, gà vịt… Mục đích chính để nuôi sống cộng đồng con người quê hương, đất nước Việt Nam ta.” (Do công việc chấm thi đang tiếp diễn, đồng thời để đảm bảo tính bảo mật nên chúng tôi không tiện nêu cụ thể mã phách, tên Hội đồng chấm thi).
Mấy lần đầu đi chấm thi, chúng tôi còn ham “lượm lặt”, ghi chép lại những câu văn ngô nghê, siêu tưởng… trong bài thi của thí sinh làm “kỷ niệm”… mùa thi nhưng về sau này, chúng tôi thấy nản, không muốn nữa, bởi vì thực trạng học sinh viết văn càng kém đi nhiều so với những thế hệ học sinh trước đây.
Có phải, giáo viên dạy chưa tốt, nhiều học sinh chán, lười học Văn và căn bệnh thành tích đang hoành hành trong ngành giáo dục là những căn nguyên chính khiến chất lượng bài thi môn Ngữ văn ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nhiều năm qua giảm sút đáng báo động?