Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Mở kho 500 tấn vàng trong dân: Khó, ai chịu thiệt?

Lan Vũ

Đất Việt - Quy chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới sẽ quy định thế nào? Ai sẽ là người chịu thiệt nếu chuẩn vàng VN đang thấp hơn thế giới?

Chưa cần thiết

Liên quan tới thông tin Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa kiến nghị NHNN huy động khoảng 500 tấn vàng trong dân (tương đương 17 - 21 tỷ USD). TS Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: "bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương này".

Ông Tín phân tích, trong bối cảnh nền tài chính đang khát vốn như hiện nay, nếu huy động được vàng đang nằm trong dân và coi đó là nguồn tài sản bảo đảm dùng để thế chấp vay vốn nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề huy động vàng trong dân được khách quan, minh bạch và hiệu quả, bắt buộc phải thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia thông qua việc phát hành trái phiếu huy động vàng, Nhà nước sẽ trả lãi suất.

Nhưng theo vị chuyên gia, để thành lập được Sở giao dịch vàng quốc gia không hề đơn giản và chưa cần thiết vào thời điểm này. Chỉ ra mấy lý do, vị chuyên gia giải thích:

Thứ nhất, số liệu 500 tấn vàng trong dân hiện nay là phi thực tế. Số lượng trên mới chỉ mang tính tham khảo dựa vào công bố của Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới về số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua. Con số này chỉ nghe nói chứ không có tính toán.

Giả sử có 500 tấn vàng được nhập vào Việt Nam tương đương 13,3 triệu lượng vàng thì số lượng vàng nằm trong dân chỉ chiếm chưa tới 30%. Thử làm phép tính từ số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động nhân với số lượng vàng mỗi doanh nghiệp tích trữ sẽ có: 12.000 doanh nghiệp x 800 lượng vàng/một doanh nghiệp = 9,6 triệu lượng vàng.

Như vậy, khoảng 72% trong tổng số 500 tấn vàng trên đang nằm trong các doanh nghiệp, công ty kinh doanh vàng. Khoảng 1% nằm tại các ngân hàng thương mại. Chỉ còn khoảng 27 % số lượng vàng có thể nằm rải rác trong dân. Tuy nhiên, cũng không có một cơ sở chắc chắn nào khẳng định 27% đó vẫn nằm nguyên vẹn trong két sắt của người dân, do họ cũng đã bán ra để kinh doanh, lướt sóng vàng, chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản... tỉ lệ này còn lại là rất ít.

Thứ hai, chính sách tiền tệ của Nhà nước trong thời gian vừa qua phù hợp nên gần như đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng đầu cơ vàng trong dân. Người dân không còn tâm lý đầu cơ vàng nữa. Vì thế, số lượng vàng còn lại nằm trong dân theo ước lượng còn không quá 10% (tương đương khoảng 1,3 triệu lượng vàng). Như vậy, theo kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN đứng ra huy động vàng và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để thu hút vàng trong dân là không khả thi.

"Số lượng 1,3 triệu lượng vàng là không quá nhiều để thành lập cả một Sở giao dịch vàng hoành tráng như vậy", ông Tín nói.

Phân tích thêm, ông cho biết, trong trường hợp, thành lập Sở giao dịch vàng để huy động được 1,3 triệu lượng vàng đang nằm trong dân thì đổi lại sẽ phải đối diện với những nguy cơ bất ổn:

Một là, Sở giao dịch vàng sẽ là điều kiện cho các cá nhân tham gia sàn giao dịch vàng để đầu cơ, lướt sóng. Đây là những đối tượng tạo ra những cơn biến động vàng của thị trường vàng và tỷ giá USD trước đây.

Hai là, đáp ứng cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại muốn tham gia vào để đầu cơ lướt sóng và kiếm lợi nhuận. Thực tế, có những thời điểm giá vàng trong nước đã bị đẩy lên gần 50 triệu một lượng vàng. Việc này đã gây ra những bất ổn rất lớn trong chính sách điều hành tiền tệ của VN, đó là bài học để cơ quan quản lý phải nhìn nhận lại.

"Đây cũng là lý do vì sao từ năm 2010 Ngân hàng BIDV đã có kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhưng chưa được chấp thuận. Tôi cho rằng, quyết định trên của NHNN là hoàn toàn đúng. Vì để lập được Sở giao dịch vàng bắt buộc phải đảm bảo những yếu tố tiền đề, cụ thể như: chính sách tỉ giá, chính sách ngoại tệ phải ổn định; tiếp đến phải hạn chế đầu cơ; cơ chế quản lý, giám sát cũng đòi hỏi phải minh bạch, chặt chẽ", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cho biết thêm, theo kinh nghiệm của thế giới, để thành lập được một Sở giao dịch vàng kiểu như vậy phải mất khoảng 10 năm, thậm chí tới vài chục năm. Còn để nó hoạt động ổn định thì phải cần tới cả 100 năm.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, VN muốn thành lập Sở giao dịch vàng thì cần phải có những điều kiện chín muồi. Thời điểm này, VN chỉ nên quan tâm chứ không nên vội vàng.

Từ những phân tích trên, ông kết luận: "kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là tích cực xong chưa phải thời điểm thích hợp để thành lập Sở giao dịch vàng cũng như chưa phải thời điểm phù hợp để NHNN đứng ra huy động vàng".

Huy động vàng: Không dễ

Vấn đề tiếp theo, TS Bùi Quang Tín cho biết, trong trường hợp NHNN quyết tâm huy động vàng trong dân thì khả năng huy động được số vàng này là rất khó.

Ông cho biết, có tiền là mua vàng cất trong tủ đã trở thành thói quen của người dân VN từ nhiều năm nay. Vậy bằng cách nào NHNN có thể thay đổi thói quen này để huy động được lượng vàng trong dân là bài toán rất khó, không hề đơn giản.

Theo ông, để có thể huy động được vàng trong dân cần tối thiểu 3 điều kiện:

Thứ nhất, NHNN nhà nước phải đứng ra phát hành những chứng chỉ vàng, sau đó thông qua các NHTM để huy động vàng. Ở đây tôi muốn nói là yếu tố đảm bảo tính an toàn cho tài sản của người dân. Nếu vậy, câu hỏi sẽ đặt ra: Chứng chỉ vàng sau khi huy động sẽ được quy đổi thế nào? Quy đổi bằng vàng hay bằng tài sản nào khác?

Thứ hai, quy định lãi suất cụ thể thế nào? Ông khẳng định, gửi vàng không thể đảm bảo lãi suất như gửi tiền mặt. Vì huy động lãi suất cao sẽ có nguy cơ gây ra những bất ổn trong chính sách điều hành tiền tệ. Cơ chế chống vàng hóa sẽ thất bại. Nhưng nếu lãi suất gửi quá thấp cũng sẽ không hấp dẫn được người dân.

Thứ ba, khi gửi vàng vào ngân hàng thì theo hình thức nào? Là gửi tiết kiệm hay theo hình thức kinh doanh?. Thông thường, người dân gửi vàng vào ngân hàng là có tâm lý muốn đầu cơ, tức là muốn kiếm tiền từ gửi vàng. Vậy, câu hỏi ở đây sẽ là: NHNN phát hành chứng chỉ vàng rồi sau đó sẽ thế nào?

"Tôi chưa thấy ai nói tới vấn đề này. Riêng Hiệp hội mới chỉ kiến nghị chủ trương nhưng cũng chưa kiến nghị được định hướng sử dụng vàng sau khi huy động cụ thể như thế nào?", vị chuyên gia nhận xét.

Vị TS cho biết, để huy động được người dân mang vàng đi gửi thì cần phải đảm bảo ít nhất 3 yếu tố:

Một là, nền kinh tế ổn định, minh bạch.

Hai là, mang vàng đi gửi người dân phải có lợi nhuận.

Ba là, đồng tiền bỏ ra phải an toàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện đầu tư ở VN không hiệu quả từng xảy ra rất nhiều. Rất nhiều dự án đội vốn, trì trệ, kéo dài thời gian. Nhiều dự án cao tốc xây xong không có người đi... Trong khi đó, việc các NHTM huy động vàng trong dân nhưng là không kiểm soát, không quản lý được để xảy ra tình trạng mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á... Vì thế, những lo lắng của người dân là hoàn toàn chính đáng.

"Tôi cho rằng, ngay lúc này có thể người dân sẽ không quay lưng lại với chủ trương trên, nhưng họ không hào hứng hưởng ứng ngay mà sẽ chờ đợi. Chờ đời một thời điểm thích hợp, chờ đợi một cơ chế hợp lý", ông Tín cho hay.

Chưa có chuẩn vàng cụ thể

Cuối cùng, TS Bùi Quang Tín cho biết, trong trường hợp NHNN muốn đứng ra huy động vàng thì câu hỏi về chuẩn vàng thế nào cũng là vấn đề rất phức tạp. Quy chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới sẽ quy định thế nào? Ai sẽ là người chịu thiệt nếu chuẩn vàng VN đang thấp hơn thế giới?

Đi vào phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho biết: Có hai trường hợp NHNN có thể biến vàng thành ngoại tệ.

Thứ nhất, bán vàng và mua ngoại tệ trực tiếp. Giải pháp này sẽ rất rủi ro. Ông lấy ví dụ, giá vàng hiện nay chỉ là 30 triệu/lượng, nếu một vài năm nữa giá vàng tăng lên 50 triệu/lượng thì phần lỗ đó ai sẽ bù đắp và lấy ở đâu để bù đắp?.

"Phương án này là hoàn toàn không khả thi vì rủi ro quá lớn, lại đe dọa tới an ninh tài chính, ngân sách quốc gia", ông nói.

Với phương án thứ hai, là dùng vàng làm tài sản bảo đảm thế chấp nước ngoài và vay ngoại tệ với lãi suất thấp. Theo ông Tín, phương án này sẽ nảy sinh một số vấn đề về tuổi vàng, chủng loại vàng, chất lượng vàng. Khi mang vàng đi thế chấp, VN phải thống nhất được chuẩn vàng trong nước cho phù hợp với chuẩn vàng thế giới, khi đó, thế chấp vàng mới có giá trị.

Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi cần được giải quyết. Cụ thể về quy định thế nào là vàng chuẩn cho tới nay cũng chưa rõ ràng. Người dân cũng chưa nắm được thế nào là vàng chuẩn?.

Hơn nữa, khả năng chênh lệch giữa chất lượng, tiêu chuẩn vàng trong nước với vàng thế giới là rất cao. Khi đó, vấn đề trên sẽ được giải quyết ra sao? Ai phải chịu phần chênh lệch?

"Như vậy, với phương án này cũng không khả thi vì người dân sẽ không dễ dàng bỏ vàng ra để chịu thiệt phần chênh lệch theo tiêu chuẩn mới".

Vì thế, ông Tín cho hay, cả hai phương án trên đều có khả năng gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý. Do đó, cần phải có phương án khác khả thi và hiệu quả hơn