(PLO)- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói: "Không thể đổ chất thải xuống biển".
Liên quan đến việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải tại vùng biển Tuy Phong sau khi nạo vét luồng lạch hàng hải, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có thái độ dứt khoát như trên.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi đã nghe thông tin này nhưng quyết định như thế nào thì cần phải nắm rõ hơn, nghiên cứu, đánh giá cẩn thận. Khi nhận được báo cáo, đề xuất Bộ TN&MT sẽ xem xét”.
Mặc dù không bình luận cụ thể về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu tấn chất thải ra biển nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển như đề xuất của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1. “Không thể làm thế được!” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trước đó, ngày 2-11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay: "Sau một loạt sự cố môi trường chúng ta cũng nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”.
Bộ trưởng cho rằng: Trước đây, môi trường thường đi sau phát triển thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch. Sau những sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều công việc, giải quyết những vấn đề cụ thể, rà soát lại toàn bộ các nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây.
Cũng tại Quốc hội, Bộ trưởng cho biết: Đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt, nhuộm.. “Chúng tôi đã có những con số rất rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần phải có những biện pháp rất quyết liệt, rất nghiêm túc trong vấn đề thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
***
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 2-11, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) xin phép “nhận chìm” hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển. Lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát trong quá trình nạo vét.
Dù thừa nhận việc đổ thải này trên đất liền sẽ ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường, song Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 lại xin “nhấn chìm” xuống biển (?!). Theo ước tính, diện tích biển chứa lượng chất thải này khoảng 30 ha, cách đất liền khoảng ba hải lý và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau (một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam). “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển” - Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận nêu quan điểm.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, Hòn Cau là một đảo nhỏ, cách đất liền chưa đầy 10 km. Toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau rộng khoảng 12.500 ha.