Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Bắn “gạo” lên trời!

Nhóm Phóng Viên

NLĐO - Thường thì vật chất đủ đầy rồi mới tính chuyện thụ hưởng tinh thần nhưng hầu hết các tỉnh tổ chức bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016 lại phải xin trung ương cấp gạo cứu đói

Bên cạnh một số tỉnh miền núi phía Bắc, xin gạo nhiều nhất dịp Tết sắp tới là các tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Xin gạo cứu đói

Tỉnh Phú Yên vừa gửi văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 291 tấn gạo nhằm cứu trợ khoảng 19.400 người của hơn 9.600 hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Chỉ có 8 huyện, thị xã trong tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói thôi!” - ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói.

Vì sao Phú Yên được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” nhưng vẫn xin gạo cứu đói, đại diện lãnh đạo tỉnh này cho biết bây giờ, ruộng đất đã được chia hết cho dân, không thể thu gạo của người này để chia cho người khác trong khi Phú Yên là một tỉnh còn nhiều khó khăn.

Khó khăn hơn Phú Yên, tỉnh Ninh Thuận xin trung ương hỗ trợ đến 2.092 tấn gạo cứu đói cho 14.000 nhân khẩu!

UBND tỉnh Quảng Ngãi thì đề nghị hỗ trợ 1.200 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Bính Thân cho 34.841 hộ với 80.000 nhân khẩu. Số gạo hỗ trợ sẽ được chia cho 14 huyện, thành phố của tỉnh. Ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, giải thích: Năm 2015, thiên tai diễn biến phức tạp, hiện tượng El Nino gây khô hạn kéo dài, tác động đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là khu vực miền núi. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn Quảng Ngãi là 28.836 và có tới 75.000 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em mồ côi… đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh này đã đề nghị Chính phủ trợ cấp 2.000 tấn gạo để hỗ trợ các hộ nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn ăn Tết. Hiện Chính phủ chưa phản hồi.

Tỉnh Quảng Trị có dân số trên 600.000 người, đến cuối năm 2015, tỉnh còn khoảng 6,92% hộ nghèo. Hầu như năm nào Quảng Trị cũng xin Chính phủ cấp gạo cho người dân ăn Tết Nguyên đán và mùa giáp hạt. Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, cho biết đã trình Chính phủ xin 859 tấn gạo cho Tết 2016. Tết năm ngoái, Chính phủ đã hỗ trợ Quảng Trị 669 tấn gạo. “Láng giềng” của Quảng Trị là Quảng Bình cũng xin trung ương phân bổ 1.000 tấn gạo cho người nghèo trong dịp Tết Bính Thân.

Nhiều nhất là Nghệ An. Tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ hơn 3.600 tấn gạo cứu đói dịp Tết Bính Thân này và mùa giáp hạt sau Tết, hiện đã được duyệt cấp. Năm ngoái, Nghệ An được Chính phủ cấp đến 5.400 tấn gạo ăn Tết và cứu đói giáp hạt.

“Rất tốn kém”

Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Nghệ An đã lập Ban Chỉ đạo bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân năm 2016. Dự kiến, tỉnh sẽ bắn pháo hoa tầm thấp trong 15 phút tại Công viên Trung tâm TP Vinh vào đêm giao thừa, nguồn kinh phí ước tính hơn 500 triệu đồng.

Giao thừa Tết Bính Thân, tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 thuộc trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm trong khoảng 15 phút. Ông Nguyễn Long Biên, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết kinh phí dự kiến để bắn pháo hoa khoảng 450 triệu đồng.

Tỉnh Quảng Nam thì tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm (TP Tam Kỳ, phố cổ Hội An và xã đảo Cù Lao Chàm thuộc TP Hội An). Kinh phí tổ chức bắn pháo hoa ở TP Tam Kỳ là khoảng 500 triệu đồng và tại 2 điểm ở TP Hội An là khoảng 800 triệu đồng.

“Khủng” hơn là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh sẽ bắn pháo hoa ở TP Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn. Hiện số kinh phí chưa được thông báo cụ thể song dự báo sẽ “rất tốn kém”. Riêng năm 2015, Quảng Ngãi chỉ bắn pháo hoa tại huyện Minh Long và TP Quảng Ngãi mà đã tốn gần 1,5 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Trị đã lập kế hoạch bắn pháo hoa đêm giao thừa ở trước Trung tâm Văn hóa tỉnh trong khoảng 15 phút, kinh phí “từ nguồn ngân sách, khoảng vài trăm triệu đồng; còn nếu có đơn vị nào tài trợ, ủng hộ thì sẽ bắn pháo hoa nhiều hơn” - theo Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Nguyễn Đức Chính. Còn tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm, kinh phí cũng vài trăm triệu đồng…

Không bắn thì dân chửi (!?)

Trong lúc dư luận có ý kiến cho rằng các tỉnh còn khó khăn, phải xin gạo cứu đói mà lại tổ chức bắn pháo hoa thì lãng phí, chẳng khác nào bắn… gạo lên trời, lãnh đạo các địa phương đều có lý lẽ của mình.

Ông Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An - lập luận: “Xin gạo cứu đói cho người nghèo là cần thiết nhưng TP Vinh là bộ mặt của tỉnh Nghệ An, việc tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm ở trung tâm TP phục vụ nhu cầu vui Xuân đón Tết của bà con là hoàn toàn hợp lý”.

TP Hội An thì cho rằng họ đã lo xong cho các hộ chính sách, người nghèo đón Tết đầm ấm rồi nên bắn pháo hoa là phục vụ tinh thần. “Vật chất với tinh thần là phải đi đôi chứ còn mình chỉ tính mảng vật chất mà tinh thần dân thiếu thì cũng không được. Hơn nữa, TP Hội An còn là nơi tập trung khá đông du khách quốc tế nên bắn pháo hoa là cần thiết” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, lý giải.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, thì bảo: “Trước đây cũng có ý kiến nên dành kinh phí cho người nghèo nên Quảng Trị không tổ chức bắn pháo hoa, thế là nhiều người dân gọi điện, nhắn tin đến chửi các lãnh đạo tỉnh rằng không lo cho dân ăn Tết… Con em xa xứ về quê ăn Tết mà đêm giao thừa chỉ biết ngồi ở nhà xem truyền hình thì buồn lắm. Những nơi khác người ta sung sướng mà dân mình lại khổ thế sao! Tại sao dân mình không được hưởng niềm vui đó? Làm lãnh đạo thì phải biết tạo niềm vui, phấn khởi cho dân chứ khi nào cũng than nghèo, kể khổ thì làm sao phát triển được?!”.

Riêng ông Trần Ngọc Căng,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, giải thích đơn giản rằng: “Việc bắn pháo hoa là truyền thống từ xưa đến giờ của người dân” (!)…
***

Đà Nẵng chi ngân sách 2,2 tỉ đồng để bắn pháo hoa

Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết dịp Tết Bính Thân 2016, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa tại 4 điểm, gồm: cầu Nguyễn Văn Trỗi, sân vận động quận Ngũ Hành Sơn, bãi đất trống trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu, bãi đất trống trước cơ quan quân sự huyện Hòa Vang. Theo UBND TP Đà Nẵng, việc bắn pháo hoa nhằm đánh dấu thời khắc chuyển sang năm mới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân TP.

Kinh phí để bắn pháo hoa khoảng 2,2 tỉ đồng được trích từ ngân sách của TP Đà Nẵng. Dịp này, TP Đà Nẵng sẽ bắn tổng cộng 2.000 quả pháo tầm cao do Bộ Chỉ huy Quân sự TP thực hiện. Toàn bộ kinh phí được các ban, ngành liên quan dự toán; Sở Tài chính TP Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm thẩm định và quyết toán kinh phí cũng như cấp cho các ngành liên quan thực hiện đúng tiến độ kế hoạch bắn pháo hoa.
***

Các địa phương xin gạo cứu đói

Cập nhật đến ngày 24-1, như sau:

- Quảng Ngãi: 1.200 tấn (mỗi nhân khẩu được 15 kg)

- Quảng Nam: 2.000 tấn

- Nghệ An: 3.617,31 tấn

- Quảng Bình: 1.000 tấn

- Quảng Trị: 859 tấn

- Bình Định: 1.300 tấn

- Phú Yên: 291 tấn

- Ninh Thuận: 2.092 tấn

- Yên Bái: 450 tấn

- Tuyên Quang: 269,235 tấn

- Hà Nam: 731 tấn

- Lào Cai: 155,3 tấn

- Cao Bằng: 552 tấn.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB-XH)