(TBKTSG) - Một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn.
Trần Văn Sơn nheo mắt nhìn xuống phía chân đồi. Phía xa xa là khu nhà kính công nghệ cao màu trắng nằm nổi bật giữa cánh đồng bao la ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Đây chính là thành quả của bao công sức anh đã bỏ ra khi được lãnh đạo tập đoàn Ecofarm có trụ sở ở Phú Quốc điều về đây gây dựng hệ thống trồng cây hiện đại này. “Mỗi ba tháng, chúng tôi sẽ thu được 1 tỉ đồng/héc ta”, Sơn nói, tay chỉ vào những luống dưa lê, dưa lưới sai trĩu quả trong khu nhà kính.
Những loại hoa quả của Ecofarm Đồng Tháp đang được bán ở các khách sạn cao cấp tại Phú Quốc, TPHCM hay xuất khẩu với mức giá mà nhiều nông dân trong vùng có nằm mơ cũng không thấy như là kết quả của việc ứng dụng công nghệ sinh học Israel. Tuy nhiên, quyết định của Ecofarm đầu tư vào Đồng Tháp là cả một câu chuyện dài. Sơn kể, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã không ít lần gặp gỡ, thuyết phục Ecofarm về đầu tư tại tỉnh với nhiều ưu đãi, mà đáng kể nhất là việc cho thuê 86 héc ta đất trong vòng 50 năm. “Nếu tỉnh không cho thuê đất, thì chúng tôi không về đây đầu tư vì không thuê được đất của nông dân để sản xuất lớn”, anh nói.
Bên cạnh đó, Ecofarm cũng đang cung cấp giống cây, và giúp nông dân ứng dụng bón phân vi sinh học nhằm tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch. Dù vốn đầu tư chỉ là 18 tỉ đồng ở giai đoạn đầu, Ecofarm là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu mà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn muốn giới thiệu ra ngoài như là hy vọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nếu không được tỉnh Đồng Tháp cho thuê đất, Ecofarm sẽ không thể thuê lại đất của nông dân địa phương. Điều này, hẳn có lý do. Ông Nguyễn Văn Hiệp, một nông dân ở ấp Bình Linh, huyện Bình Thạnh, thị xã Cao Lãnh ở Đồng Tháp, kể mỗi năm thu nhập từ trồng chanh của gia đình ông trên diện tích 6 héc ta lên tới 300 triệu đồng, số tiền mà các con ông có nằm mơ cũng không thấy khi đi làm công nhân. “Ở đây, chả nông dân nào muốn bán đất cả”, ông nói. Ông Hiệp và nhiều nông dân trong xã đã lập ra hợp tác xã với hy vọng giữ được giá bán ổn định, hỗ trợ nhau về giống và phân.
Thực tế, không có nhiều doanh nghiệp “may mắn” được giao đất như Ecofarm hay có nhiều đất như nông dân Nguyễn Văn Hiệp ở Đồng Tháp. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, không sản xuất theo chuỗi, và cánh đồng lớn là những hạn chế phổ biến, tồn tại lâu đời, dẫn đến hàng loạt hạn chế khác tại vựa lúa lớn nhất của Việt Nam.
Đơn cử như ở An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất vùng, nhưng hiện có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1 héc ta. Nông hộ nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa, vì muốn làm giàu họ phải có trên 3 héc ta. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25% tương đương với 5 triệu tấn lúa mỗi năm, trị giá 25.000 tỉ đồng.
Ở bình diện cả nước, tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán còn phổ biến hơn nhiều. Tại nhiều nơi ruộng đất được chia đều cho mọi người. Kết quả là các hộ có từ 3-4 mảnh ruộng, thậm chí nhiều hơn và các mảnh ruộng đó lại cách xa nhau. Hai vùng có mức độ manh mún cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.
Theo Tổng điều tra nông nghiệp, nhóm có quy mô sản xuất nhỏ nhất, dưới 0,2 héc ta, chiếm 35% tổng số các hộ trong năm 2011. Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới, diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 héc ta, chỉ bằng khoảng một nửa so với Campuchia, Myanmar hay Philippines. Có tới 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay có khoảng 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số đó, nhiều nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp (1.831), tiếp đến là thủy sản (1.362) và ít nhất là lâm nghiệp (651). Thực tế này đã làm nhiều người gắn bó cả đời mình với nông nghiệp như Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam, không khỏi xót xa.
Trong một cuộc hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương Đảng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Tam đã lên diễn đàn nói đầy tha thiết: “Báo cáo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nếu chúng ta không có cơ chế mới về đất đai thì không thể làm được. Sản xuất nông nghiệp hết sức rủi ro, các doanh nghiệp không vào được… Đây là vấn đề rất lớn đang đặt ra”.
Ông Tam kiến nghị: “Sớm có chính sách phù hợp về đất đai. Đất đai manh mún, nông dân bỏ ruộng rất nhiều. Tài sản quý như vậy đang bị lãng phí, chúng ta không thể làm ngơ”.
Trong hội nghị nói trên (về phương hướng cho ngành nông nghiệp), Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng tình khi cho rằng, một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp ngày càng suy kiệt. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65% trong chín tháng đầu năm nay, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ sáu năm gần đây. Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và cam kết hội nhập đến rất nhiều đang đặt ra những sức ép lớn cho ngành này. Song, liệu những doanh nghiệp như Ecofarm và nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác sẽ tích tụ được ruộng đất để sản xuất lớn? Liệu người nông dân có sẵn sang trở thành công nhân trên chính mảnh đất mình? Những câu hỏi này cần phải được trả lời, và cần được giải quyết, không chỉ trong kinh tế.
***
WB khuyến nghị: cần cải cách sâu rộng, nhất là lĩnh vực đất đai
Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường và Nhà nước có vai trò đặc biệt để lèo lái ngành kinh tế này. Ngân hàng Thế giới cho rằng nhiều trở ngại mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang một nền nông nghiệp dựa trên hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng khó có thể khắc phục một cách toàn diện nếu chỉ nhờ vào thay đổi chính sách nông nghiệp. Để khắc phục các trở ngại về năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững trong quá trình chuyển đổi và trong dài hạn cần thực hiện những cải cách sâu rộng trong toàn nền kinh tế, nhất là trong những vấn đề liên quan đến đất đai (quyền sở hữu, sử dụng), vai trò, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các chính sách, thể chế liên quan đến khoa học, công nghệ, các mô hình phân cấp quản lý, phối hợp hoạt động của Nhà nước. Các sáng kiến đặc biệt gần đây nhằm hỗ trợ thay đổi cấu trúc, hành vi trong ngành nông nghiệp đã trở nên cấp thiết nhằm đối phó lại với những hạn chế về chính sách, quy định, thủ tục hành chính nằm ngoài ngành nông nghiệp...