Anh Huỳnh Tấn Vinh đang trở thành trung tâm của truyền thông về câu chuyện Sơn Trà. Anh trở thành người nổi tiếng - sự nổi tiếng anh không hề mong đợi. Anh chỉ mong đợi những kiến nghị của mình được những cơ quan có thẩm quyền nghe, và chỉ mong Sơn Trà được bảo vệ.
Vợ anh Vinh ủng hộ chồng mình, nhưng chị lo lắng cho anh, lo lắng cho những người thân trong gia đình của chị, chị hỏi tôi, không biết anh Vinh và những người thân của chị có gặp nguy hiểm gì không. Tôi không trả lời chị được. Anh Vinh đang va chạm trực diện vào các nhóm lợi ích đang xâu xé bán đảo Sơn Trà, anh có gặp nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào các nhóm lợi ích này có thế lực đến cỡ nào. Bọn họ có thế lực đến cỡ nào thì tôi không thể biết, cho nên tôi không trả lời được câu hỏi của chị. Chỉ với cái công văn của Bộ VH,TT&DL đề nghị "xử lý" anh Vinh, nếu như không có tự do báo chí và không có mạng xã hội thì sẽ không có chuyện cái công văn đó bị thu hồi. Và bộ máy quan liêu, dưới sự điều khiển của các nhóm lợi ích, sẽ đẩy câu chuyện tới đâu chúng ta không lường hết được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng là nhân vật trung tâm của truyền thông về câu chuyện Sơn Trà, dù ông hoàn toàn không muốn. Hình như đang có một nghịch lý, sự xuất hiện của ông với tần suất càng cao trên truyền thông thì câu chuyện về Sơn Trà càng đi lệch hướng. Bởi vì, Sơn Trà bị phá nát không phải do cái Quyết định phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do ông ký. Nó đã bị phá nát từ trước đó rất lâu. Vấn đề nóng bỏng của Sơn Trà là xử lý những vi phạm trong cấp phép của chính quyền thành phố Đà Nẵng để bảo vệ khu bảo tồn, chứ chưa phải là bàn chuyện quy hoạch du lịch như thế nào là hợp lý. Bởi vì, nếu không xử lý vi phạm thì việc quy hoạch du lịch thực chất là hợp pháp hóa tình trạng vi phạm mà thôi. Mà muốn xử lý sai phạm thì trước hết phải tổng kiểm tra việc cấp phép.
Ông Vũ Đức Đam biết rất rõ điều đó. Với tư cách là Phó Thủ tướng, lẽ ra trước tiên ông phải chỉ đạo tổng kiểm tra việc cấp phép các dự án đã và đang triển khai, đằng này ông lại cứ loay hoay nói về bản quy hoạch, thậm chí còn tùy tiện tuyên bố chính quyền Đà Nẵng đã cấp phép theo thẩm quyền. Xin thưa, chuyển mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chứ không phải thẩm quyền của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Tuyên bố đó là một sơ hở, có thể sẽ gây khó cho ông nếu như việc tổng kiểm tra được tiến hành.
Tại sao ông Đam chưa nói một câu nào về những sai phạm của chính quyền Đà Nẵng trong việc cấp phép các dự án phá nát Sơn Trà ? Tôi không tin ông bị các nhóm lợi ích chi phối. Chỉ có thể giải thích là ông ngại đụng chạm đến các nhóm lợi ích.
Các nhóm lợi ích đang biến vấn đề Sơn Trà thành một ma trận, đẩy các cơ quan chức năng từ thành phố Đà Nẵng cho đến người lãnh đạo Chính phủ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi theo một quỹ đạo định sẵn.
Chỉ cần quyết định tổng kiểm tra tình trạng vi phạm pháp luật ở bán đảo Sơn trà thì mọi thứ trở nên sáng rõ. Phải làm điều này trước tiên, trước khi tổ chức các cuộc hội thảo để nghe một cách "thực sự khoa học và cầu thị", trước khi bàn chuyện có quy hoạch du lịch hay không. Vấn đề tưởng là đơn giản, nhưng có lẽ phải có một ý chí chính trị mạnh hơn ý chí của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới có thể làm nổi.