TPO - Trao đổi tại cuộc giao lưu “Năm tháng Gạc Ma” do báo Tiền Phong tổ chức mới đây nhân dịp kỷ niệm 28 năm hải chiến Gạc Ma, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng khẳng định, trong suốt hàng nghìn năm lịch sử đối đầu với Trung Quốc chúng ta không bao giờ thất bại.
Trao đổi về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, Trung Quốc đã có chủ trương, kế hoạch cụ thể, chuẩn bị từ lâu và họ tận dụng, lợi dụng thời điểm để đánh chiếm Gạc Ma.
“Sự kiện này có hai sự đối đầu, giữa một bên cố tình đánh chiếm bằng vũ lực với một bên muốn bảo vệ một cách hòa bình lãnh thổ của mình. Thứ hai là giữa một bên súng ống, đại bác với một bên dùng tay không, dùng lời nói thuyết phục. Và hậu quả là 64 chiến sĩ của ta hy sinh dưới họng súng của kẻ thù và trong tay không có vũ khí. Nhiều đồng chí của chúng ta bị bắt…”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, những người lính của chúng ta ra Trường Sa trong chiến dịch CQ-88 đã xác nhận sẵn sàng hy sinh. “Đó là những người lính anh hùng. Chúng ta phải tôn vinh họ, không được để tính mạng, sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ trở nên vô ích. Sự hy sinh đó sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, ông rất có lòng tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc hôm nay. “Chúng ta không sợ chúng ta yếu, chúng ta nhỏ. Chúng ta mạnh hơn bởi chúng ta có lý lẽ, có chính nghĩa và chúng ta có lòng tự hào dân tộc, có ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền. Điều đó thể hiện trong suốt hàng nghìn năm”, ông Hà nói.
Ông Hà dẫn chứng, khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu quá trình tạo thế, tạo lực của dân tộc Việt Nam trong việc đối đầu Trung Quốc ông và các cộng sự tự tin, tự hào nói rằng, trong suốt hàng nghìn năm lịch sử đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam không bao giờ thất bại.
“Đây là điều lịch sử đã chứng minh. Dân tộc Việt Nam có thể có một lúc nào đó có yếu đi. Trung Quốc có thể mạnh lên, lấn át nhưng trên thực tế hơn 2.000 năm qua, Trung Quốc không lất át được Việt Nam, không thôn tính được Việt Nam, không đồng hóa được Việt Nam. Đó là do tinh thần dân tộc của chúng ta. Cho nên chúng tôi rất tự tin từ sự thật lịch sử đó thấy được rằng chúng ta hoàn toàn tự tin khi đối đầu Trung Quốc”, ông Hà phân tích.
Theo ông, dù trên biển hiện nay so sánh lực lượng chúng ta kém hơn hẳn, nhưng chúng ta có lẽ phải, chúng ta có dư luận quốc tế ủng hộ. Trung Quốc không thể "một mình một chợ' khi họ đang rất đuối lý về bản đồ đường lưỡi bò.
Cũng theo ông Hà, trong cuộc đấu tranh chủ quyền hiện nay chúng ta có nhiều thế mạnh. Đầu tiên là lòng tự hào dân tộc. Nếu người dân chúng ta đều hiểu lịch sử thì tất cả già trẻ, lớn bé không bao giờ sợ. “Người Việt bình thường thì bề ngoài có vẻ rời rạc, lòng cố kết dân tộc bị phân tán, nhưng khi có kẻ thù xâm lược thì tất cả sẽ cố kết lại vì tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ trong mỗi người. Cái đó không phải một chốc chúng ta xây dựng được mà nó hình thành từ chiều dài truyền thống lịch sử của chúng ta”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hà, chúng ta có chính nghĩa, có cứ liệu lịch sử để đấu tranh. Thêm vào đó, trong con mắt thế giới, Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập vì những toan tính của họ. Trung Quốc dường như đang tự tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới, muốn xây dựng, áp đặt một luật chơi mới, không theo luật chơi chung của cộng đồng thế giới.
“Nếu so sức mạnh quân sự họ có thể hơn Việt Nam nhưng họ không hơn được nhiều nước. Cho nên, rõ ràng nếu cộng đồng quốc tế đồng thuận, cương quyết đối với Trung Quốc trên cơ sở khách quan, không vì lợi ích kinh tế thì chắc chắn Trung Quốc phải lùi”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho rằng, chúng ta phải luôn luôn xử sự theo phương châm của Bác Hồ: Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Chúng ta phải mềm mỏng trong đấu tranh để bảo vệ vững chắc chủ quyền của chúng ta.
“Sự kiện Giàn khoan Hải Dương 981 là một phép thử mà chúng ta đã rất thành công trong việc ứng xử. Ta rất kiên trì, không chủ trương gây xung đột buộc Trung Quốc phải rút. Ngay cả Mỹ và bạn bè trong khu vực cũng đánh giá rất cao chúng ta trong việc ứng xử. Đây là việc chúng ta ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hiện nay, cả dân tộc đều đồng lòng, đồng sức. “Bên cạnh đó phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết và đặc biệt là truyền thông về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, phổ biến kết quả nghiên cứu đó ra quốc tế để họ hiểu hơn”, ông Hà nói.