Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Sau “nguyên tắc” là chữ “nhưng”…

XUÂN QUANG

LĐO - Một cuộc tranh luận có vẻ đã sắp ngã ngũ. Đó là có chấp nhận đơn tố cáo nặc danh hay không? Hôm qua, trước phiên thảo luận về Luật Tố cáo sửa đổi trên nghị trường Quốc hội (QH), khi được hỏi quan điểm về việc trên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường đanh thép: “Đơn nặc danh thì không giải quyết”. Cái lý của ông Cường là: “Chấp nhận đơn nặc danh, tố cáo sẽ tràn lan, xử lý không xuể”.

Cũng thảo luận về luật này, một số đại biểu đã dẫn con số của Thanh tra Chính phủ: 59,3% đơn tố cáo có danh, sau khi thanh tra là tố cáo sai. 59,3% nghĩa là gần 60% tố cáo chính danh là tố cáo sai! Chính danh còn thế, nặc danh thì tỉ lệ sai sẽ lớn đến mức nào? Đã không dám “ra mặt”, không dám nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật, không dám chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật thì chỉ có thể là vu khống… Và lo ngại “tố cáo tràn lan”, “xử lý không xuể” là có cơ sở!

Song, cũng chính ông Phan Việt Cường, lần này với vai trò là Chánh Thanh tra tỉnh nhà Quảng Nam nhiều năm, lại cho rằng: “Tôi thấy, đơn tố cáo nặc danh là thông tin để cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu có thể đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Từ đó, giúp chúng ta củng cố chính quyền, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm”. Nghĩa là ông Cường vừa không chấp nhận đơn tố cáo nặc danh, lại vừa coi đó là một “kênh” thông tin quan trọng để “phát hiện sai phạm”.

Đúng là tố cáo mà không dám “ra mặt” có thể là vu khống. Nhưng cũng rất nhiều trường hợp không chính danh là bởi sợ bị trù dập, thậm chí bị trả thù.

Đến đây thì cần thêm vài chữ “nhưng”! Như lời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định: Nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Trùng quan điểm, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường - Đại biểu QH Gia Lai - cho rằng, đối với tố cáo nặc danh, ông thiên về loại ý kiến thứ hai, đó là tố cáo nặc danh nếu có tình tiết, chứng cứ cụ thể thì phải xem xét, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần xem xét tố cáo nặc danh nếu có căn cứ, chứng cứ cụ thể. Thực tế người tố cáo bị nhiều áp lực, cần cầu cứu nên mới phải tố cáo nặc danh.