Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Có một mùa chia ly mang tên “Mùa phượng vĩ”...

Bình An

(TBKTSG) - Cứ mỗi độ Hà Nội ngợp trời bởi những chùm phượng đỏ, góc phố tím biếc màu bằng lăng là ta biết mùa hè - mùa chia ly của tuổi học trò đã đến!

Đối với mỗi người chúng ta, dù hiện giờ làm nghề gì, thành công ở mức ra sao, chắc hẳn đều có ít nhiều nuối tiếc khi nghĩ về quãng đời đi học. Đó có thể là lời xin lỗi chưa từng nói với đứa bạn mình hay bắt nạt; là lời cảm ơn ngập ngừng với công ơn của thầy cô hay lời tỏ tình chưa một lần dám giãi bày với một cô gái chàng trai nào đó mà ta đã bỏ lỡ trong suốt thời tuổi trẻ! Hoặc đó chỉ đơn giản là niềm nuối tiếc với chính bản thân, khi năm đó, ngày tháng đó, mình đã không dám sống hết mình, đã không dám thử cái này hay cái kia chỉ vì sợ bị cười chê, sợ bị thất bại! Để đến bây giờ, khi đã trưởng thành, chúng ta thường chỉ hối hận về những điều chưa kịp làm, chưa dám làm, chứ không bao giờ nuối tiếc vì những điều ta đã từng làm. Ngoài kia, phố xá nghiêng trôi, những tháng năm vời vợi! Rốt cuộc thì thứ khiến ta nhớ nhất trong suốt quãng đời hoa mộng đó không phải là những kiến thức khô khan, những bảng thành tính chói lọi mà trái lại, những kỷ niệm vui buồn về mái trường, thầy cô, bạn bè mới luôn là những thứ ngập tràn trong đầu và lấp lánh trong tim!

Đối với các bạn tốt nghiệp lớp 12 thì mùa phượng vĩ tuy rực rỡ nhưng ẩn chứa biết bao nỗi buồn và lo toan cho kỳ thi đại học ngay trước mắt. Trước ngưỡng cửa trưởng thành, giọt nước mắt chia ly chắc hẳn sẽ thêm nhiều vị mặn! Đối với các em tốt nghiệp cấp II thì lời chào tạm biệt hôm nay cũng thật nhiều lưu luyến khi lên cấp III, mỗi đứa sẽ một trường với những dự định học hành riêng, tùy theo định hướng gia đình cũng như ước vọng của bản thân. Với các em tiểu học thì lời chia tay trong ngày cuối năm vẫn còn nhiều hồn nhiên và trong trẻo khi áp lực học hành chưa đè nặng và niềm tin vào ngày gặp lại vẫn còn rất lớn!

Riêng với lứa tuổi mầm non thì cảm xúc trong ngày bế giảng thật khác lạ! Đó hoàn toàn là niềm vui, niềm háo hức được nghỉ hè mà gần như không vướng nét buồn nào khi phải chia xa. Các con còn quá nhỏ để có thể hiểu được ý nghĩa của hai từ chia ly để mà buồn! Thay vào đó, cô giáo và cha mẹ sẽ là những người buồn thay cho các con! Nhớ hôm đi họp tổng kết lớp mẫu giáo lớn của con gái, tôi đã vô cùng xúc động khi chứng kiến giọt nước mắt lén rơi trong khóe mắt của cô chủ nhiệm. Tôi hiểu rằng đó là tình cảm của một người mẹ đang sắp phải rời xa tập thể gần 30 đứa con mà mình đã cùng gắn bó trong suốt một chặng đường dài. Mà liệu 30 đứa con đó, có đứa nào sau này còn nhớ tới cô giáo mầm non - người lo cho chúng từng bữa ăn giấc ngủ, thậm chí là cả chuyện ị tè; người đã dạy cho chúng bài hát đầu tiên, kể cho chúng những câu chuyện đầu đời? Hay chúng sẽ chỉ nhớ về các thầy cô giáo cấp III, cấp II hay cùng lắm là cấp I - quãng thời gian mà những mảnh ký ức của chúng hình thành và được lưu giữ một cách đầy đủ và rõ nét? Đó sẽ luôn là sự thiệt thòi dành cho những ai đã trót yêu nghề cô giáo mầm non. Dù rằng chúng ta cống hiến không phải với mục đích duy nhất là được ghi nhận, nhưng niềm hạnh phúc được nhớ về, được khắc ghi vẫn ít nhiều là sự động viên, giúp cho ta hoàn thành tốt công việc của mình. “Đưa người ta không đưa qua sông, mà sao có sóng ở trong lòng?”. Chắc hẳn sẽ có không ít những con sóng nhớ thương, lưu luyến trong lòng các cô giáo mầm non mỗi khi mùa phượng vĩ về.

Sẽ có một ngày trong tương lai, nếu con gái của tôi tình cờ đọc lại được bài báo này chắc hẳn cô bé sẽ rất vui khi biết rằng thuở “lên 3 lên 5”, mình đã từng được chăm sóc, dạy dỗ bởi những cô giáo tận tâm đến thế! Ký ức có thể không cho phép con lưu giữ nhiều hình ảnh về mái trường mầm non nhưng tôi sẽ từng chút một, giúp con ghi lại những dòng tâm tư, chụp lại những bức ảnh, giãi bày hết những tâm tình trong khoảnh khắc chia tay. Vì sao tôi muốn làm điều đó ư? Vì hạnh phúc chính là trong những điều nhỏ nhặt! Và biết rung động với những điều nhỏ nhặt giúp tôi thấy được rằng: Mình vẫn đang còn “sống”!