Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Còn mấy đôi dép tổ ong buộc cọng sắt, thưa Tiến sĩ Thích Đàm Lan?

ĐÀO TUẤN

LĐO - Đối với người tu hành đắc đạo, những tiền bạc, danh vọng... rõ chỉ là phù du, chỉ hư danh.

Anh Hồng Việt, Phó TGĐ một Đài truyền hình có lần kể cho tôi nghe chuyện “đôi dép tổ ong” của đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ.

Vâng, chính là đôi tổ ong thần thánh mà “năm nay gặp cụ vẫn đôi dép đó - chỗ rách, buộc bằng một cọng sắt. Sang năm gặp lại cụ, đôi dép có thêm một cọng sắt”. Hỏi, thì đức Pháp chủ chỉ phẩy tay: Vẫn còn tốt mà.

Đối với người tu hành đắc đạo, những tiền bạc, danh vọng... rõ chỉ là phù du, chỉ hư danh.

Ngài từng bảo “Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi...”.

Cái đó gọi là “bình thản như lẽ tự nhiên”.

Đôi dép tổ ong vá víu, có lẽ cũng ngoại thân, cũng lẻ tẻ như ngôi chùa Ráng thôn dã tại Phú Xuyên - Hà Tây cũ, ngôi chùa mà ngài đã ẩn cư suốt từ những năm 50 tới giờ.

Mấy nay, tôi nhớ về đôi dép tổ ong của Đức Pháp chủ khi nghe ngập tràn chuyện cái bằng tiến sĩ của ni sư Thích Đàm Lan.

Chủ yếu đến cái sự liên quan của ni sư tới vụ chùa Bồ Đề mấy năm trước. Có ngoắc thêm cái mở ngoặc đề tài tiến sĩ “Đạo đức Phật giáo đối với văn hóa đạo đức người dân quận Long Biên, Hà Nội”.

Tôi thấy chẳng có gì bất thường ở đây cả. Một cao tăng không có nghĩa không thể là một cao thủ cao học.

Còn đạo đức phật giáo, chẳng phải từ ngàn năm nay luôn hướng con người tới yêu thương và nhân ái với huyền thoại đức Phật cắt thịt mình nuôi ác điều?!

Trong luận án của ni sư, có một câu thế này: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, bản năng ích kỷ trong con người dễ có cơ hội nảy sinh và phát triển. Dục vọng, đam mê đồng tiền và sự sùng bái vật chất làm cho một bộ phận người trong xã hội quyết tâm làm giàu bằng mọi giá bất chấp tình nghĩa, đạo hạnh, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Trước hiện trạng ấy, đạo đức Phật giáo mang tính chất dân dã “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, với sự thưởng phạt ở kiếp luân hồi... đã có tác dụng kìm hãm những hành vi thái quá, cực đoan, phi nhân tính, phản văn hóa ở con người”.

Không sai!

Nhưng sẽ tốt, sẽ hay hơn và hoàn thiện hơn rất nhiều nếu luận văn đó bên cạnh dẫn ra những phẩm hạnh cao quý của các bậc chân tu thì cũng nên dành ra một chương "tự vấn" khi mà trong đội ngũ tu hành còn đâu đó những hạt sạn - những kẻ khoác áo tu hành làm điều trái đạo.

Bởi nếu không nghiêm túc cảnh tỉnh, tự xám hối thì những đôi dép tổ ong buộc cọng sắt sẽ ngày càng hiếm, thay vào đó những "con sâu" khoác áo tu hành như kiểu sư "Thích Là Đốt" sẽ không còn là chuyện hiếm!