TTO - Trở về từ rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình), câu nói của ông chủ tịch xã này làm chúng tôi ám ảnh: “Nếu dân không sáng kiến làm nhà bè, chắc người chết nhiều lắm vì nước về trong đêm nhanh chưa từng thấy”.
Sau trận lũ năm 2010, người dân Tân Hóa làm những căn nhà nổi bằng cách ghép khoảng 20 thùng phuy vào nhau thành chiếc bè.
Trên chiếc bè đó họ dựng nhà, làm mái, sức chứa khoảng 20 người cùng thức ăn, nước uống và vật dụng thiết yếu của gia đình.
Bên hông nhà, họ chôn những cây cọc cao 6 -10m, căn nhà buộc vào cọc này, cứ thế nước lên thì căn nhà nổi theo.
Nhìn những đứa trẻ bu bám trên những căn nhà nổi ấy, miệng nhai mì gói trong nỗi âu lo, một câu hỏi chợt dội về: “Ai gây ra lũ?”.
Nếu người dân không ở trong những căn nhà nổi thì sinh mạng của họ sẽ ra sao? Năm 2010, trong trận lũ kinh hoàng tại đây, từng đoàn người rồng rắn kéo vào các hang đá.
Nhưng đó là khi lũ về giữa ban ngày, còn giữa đêm như trận này, đường nào dân chạy?
Sau mỗi trận lụt lớn, người dân lại ta thán rằng nguyên nhân là do các cánh rừng bị mất đi. Vì sao rừng mất?
Hãy nhìn các con sông, các cánh rừng từ miền Trung lên tận Tây nguyên đang bị ngắt khúc và băm nát để làm thủy điện.
Có những khúc sông một giọt nước phải qua 5 tuôcbin phát điện mới chảy về hạ lưu.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường các thủy điện đều khẳng định thủy điện có tác dụng ngăn lũ vào mùa mưa, tích nước cho mùa hạn, nhưng chưa ai tính thiệt hại ghê gớm trong các trận xả lũ mà họ gây ra.
Cũng chưa ai tính cái giá bằng tài sản, tính mạng người dân vùng hạ du phải trả khi làm thủy điện.
Người dân Quảng Nam hiểu rõ họa này.
Từ A Vương xả lũ đến Sông Tranh 2 động đất đều gây ra cho người dân nhiều phen điêu đứng. Gần đây nhất, việc bục đường ống dẫn của thủy điện Sông Bung 2 khiến người chết, người thất thần chạy lũ, nhà trôi...
Trong trận lũ này, người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) bì bõm trong dòng nước khi thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ với lưu lượng 1.800 m3/s. Trận xả lũ bất ngờ khiến chủ tịch huyện Hương Khê nóng mặt bảo rằng: “Cả huyện hoàn toàn bị động”.
Còn lãnh đạo nhà máy này cho rằng họ xả “đúng quy trình”.
Rừng mất đi có trồng lại được?
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong vòng 7 năm gần đây cả nước có 205 dự án của 27 tỉnh, thành với 20.000ha rừng bị chuyển đổi mục đích sang làm thủy điện.
Tuy nhiên, chỉ có 10% số rừng được trồng thay thế, 16/27 tỉnh thành chưa chỉ đạo trồng rừng thay diện tích mất đi.
Mới đây, quyết định đóng cửa rừng của Thủ tướng làm người dân nức lòng.
Nhưng ngay sau đó, trên quê hương Quảng Nam của ông xảy ra một trận phá rừng kinh hoàng, hàng trăm mét khối gỗ pơmu quý hiếm bị tàn phá trước mặt các cơ quan chức năng như một thách thức.
Sau mỗi trận lũ, người dân rồi cũng sẽ gượng dậy, làm lại từ đầu bằng sức lực, bằng đôi tay của họ để sinh tồn như muôn đời nay họ từng chống chọi với thiên nhiên.
Sự sáng tạo để tồn tại của người dân là không ngừng và căn nhà nổi chống lũ ở vùng Tân Hóa là minh chứng cho điều đó.
Nhưng sự sáng tạo này e rằng không thể theo kịp với những hiểm họa do con người tạo ra.