Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Thu phí bài hát karaoke: 10 năm vẫn chưa tìm được giải pháp?

Dân Trí - Tại các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke với nhiều hình thức kinh doanh khác nhau và đem lại lợi nhuận khá lớn cho các chủ kinh doanh. Thế nhưng bản quyền ghi âm, ghi hình, bài hát của các ca sĩ chưa được tính đến chuyện thu phí, trả phí.

Câu chuyện này đã được các nhạc sĩ, các nhà quản lý bàn tính từ hơn mười năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào để thu.

“Điểm mặt” những hình thức kinh doanh karaoke

Các trung tâm, tụ điểm kinh doanh karaoke ở TPHCM được thiết kế phòng hát đồng dạng là hát ở các phòng riêng. Những người đi hát thường là những người quen biết nhau hoặc người này kéo theo người kia đến hát cùng với nhóm bạn của mình. Hát karaoke phòng riêng khá phổ biến tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.

Riêng Hà Nội có thêm kinh doanh karaoke theo kiểu phòng hát chung, thiết kế nhiều bàn hát khác nhau cho nhiều nhóm khách khác nhau. Theo cách kinh doanh phòng hát chung này, mỗi nhóm hát sẽ được hát từ hai đến ba bài, mỗi bài hát được tính phí 10 đến 15 ngàn đồng tùy thời gian thấp điểm hoặc cao điểm, sau đó chuyển míc cho nhóm hát khác. Nếu tính thời gian mỗi bài hát khoảng 5 phút, mỗi giờ hát được từ 10 đến 12 bài, mỗi ngày kinh doanh chỉ tính hát từ 4 giờ chiều đến 12 đêm, mỗi phòng hát chung đã thu về từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng bán bài hát, chưa tính đồ uống khác. Hình thức kinh doanh karaoke phòng chung này cũng khá phổ biến tại tỉnh Kiên Giang là hát giao lưu với nhau trên nền nhạc ghi âm từ karaoke.

Karaoke không còn là thứ xa lạ và dịch vụ kinh doanh này đã về đến tận thị xã, thị trấn trong các vùng miền. Hiện tượng kinh doanh karaoke còn phát triển theo mô hình “di động”, cho xe kéo cả dàn máy, loa, tăng âm… đến các đám cưới, đám hỏi, đám mừng nhà mới, liên hoan gặp mặt, chia tay… mà phần đông là hoạt động không phép nhưng họ vẫn lách luật khi có đoàn kiểm tra sẽ trả lời bằng từ “mượn” là xong.

Thu phí karaoke bằng cách nào?

Karaoke không phải là sản phẩm từ trên trời rơi xuống? Nó là sản phẩm trí tuệ tập thể, từ nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí cho phù hợp với từng giọng hát và cách thể hiện của ca sĩ, quay MV, dựng hình… nhưng sản phẩm đó đang nghiễm nhiên được các tụ điểm, trung tâm kinh doanh xài chùa.

Năm 2003-2005, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng từng đặt vấn đề về thu phí karaoke? Ngay lúc đó có ý kiến cho rằng cần đưa ra chế tài cho các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke phải liệt kê số bài hát mà phòng hát kinh doanh đã dùng, tính theo tỉ lệ ăn chia nào đó để trả cho các ca sĩ đã đầu tư tiền, dàn dựng, thu âm...

Nhiều ý kiến cho rằng nên cử người đến giám sát, tính đếm các bài đã hát trong các phòng hát để từ đó nhân ra với số tiền, chia lại phần trăm cho các ca sĩ để từ đó các ca sĩ có thêm khoản thu và tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Thế nhưng, ý kiến này chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy khó, sẽ là cần bao nhiêu người đến tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke để làm việc này? Tâm lý khách hàng đi hát cũng không thích, thực ra là không thoải mái khi có người lạ ngồi cùng phòng. Chưa nói đến chuyện người đi giám sát, tính đếm lại thông đồng với chủ kinh doanh ghi số lượng giảm xuống, hát mười bài thì chỉ ghi ba bài chẳng hạn thì chuyện thu được nhưng thu không đúng, không đủ cũng thành vấn đề khó khăn.

Đến nay, cùng với các trang thiết bị hát karaoke được các trang mạng đưa lên và vô hình chung nó được hát hoặc tải về máy miễn phí và khó có thể kiểm đếm được các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke có bao nhiêu bài hát đang được họ kinh doanh hằng ngày, hằng đêm.

Khó khi nói thu, “đau đầu” chuyện trả tác quyền ghi âm cho ca sĩ

Trong các tụ điểm, kinh doanh karaoke thì bài hát là “mặt hàng” chủ đạo để họ bán cho khách, sau đó mới tính đến đồ uống, đồ ăn… Số lượng bài hát càng nhiều, khách hàng càng có nhiều lựa chọn để hát, nhưng hiện tại phí bài hát từ các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke chưa có chế tài cụ thể, chưa có cơ quan đại diện đứng ra thu, chi trả và sự chi trả thế nào cho công bằng đối với các ca sĩ.

Ca sĩ Quang Thành đại diện các buổi thương thảo cát sê cho các ca sĩ Khánh Ly, Uyên Phương, Thanh Tuyền, Lệ Thu, Tuấn Ngọc… cho biết: “Vấn nạn thu phí trong lĩnh vực kinh doanh karaoke thì ca sĩ cũng như người đại diện quản lý không có thời gian để đòi, để thưa chuyện này”. Ca sĩ Quang Thành cũng chia sẻ thêm vấn đề là “nếu thu được như vậy thì chia thế nào”?

Nói về những “vướng mắc” về quyền sở hữu các bài hát karaoke và nối dài nguồn thu cho các ca sĩ, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, cho biết: “Các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke không ý thức được bản quyền. Họ cho rằng họ đã trả tiền mua băng đĩa rồi thì vì sao lại trả nữa”?

Việc các tụ điểm, trung tâm kinh doanh karaoke đang nghiễm nhiên nói không với chuyện tác quyền karaoke, luật sư Toàn phân tích: “Nếu các tụ điểm kinh doanh karaoke thực hiện nghiêm túc việc trả tiền khi kinh doanh bài hát của các ca sĩ, đây sẽ là nguồn thu để các ca sĩ đầu tư sản xuất tốt hơn”.

Năm 2005, trong một chia sẻ báo chí thu phí bài hát từ kinh doanh karaoke, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng cho biết: “Cần có một đại diện cho chủ sở hữu để thu phí của các nhà hàng, tụ điểm kinh doanh karaoke”. Đến nay việc thu phí hay thỏa thuận thu phí karaoke kinh doanh vẫn chưa biết phải tiến hành ra sao. Câu chuyện thu phí khởi lên từ hơn mười năm trước vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
***

Luật sư nói gì về việc bản quyền và thu phí kinh doanh karaoke?

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn- Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, cho biết: “Kinh doanh karaoke có hai loại tiền, tiền thứ nhất là trả cho tác giả và tiền thứ hai tiền bản quyền của các sĩ và các bên liên quan. Hát karaoke gia đình và karaoke kinh doanh là hai chuyện khác nhau. Kinh doanh karaoke thì anh phải trả thêm tiền nữa và tiền này đã được quy định rất rõ trong luật sở hữu trí tuệ rồi. Bản ghi anh phải trả tiền cho tác giả chẳng hạn như là các sĩ, các tổ chức ghi âm. Họ biết rất rõ nhưng thực tế thì các trung tâm kinh doanh karaoke vẫn cho rằng, nói rằng tôi thấy các trung tâm kinh doanh karaoke có thấy ai trả tiền đâu? Mà cái diện đó, đối tượng đó tương đối đông.

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng phải lo quá nhiều việc, về nhân sự đi giám sát việc này là không đủ. Do đó tình trạng xâm phạm bản quyền ở các quán karaoke khiến các cơ quan quản lý vào thế tiến thoái lưỡng nan, lấy người đâu mà đi làm, lấy ngân sách đâu ra mà trả lương nhất là hiện tượng xâm phạm quá phổ biến, nhan nhản khắp mọi nơi. Cần phải có một giải pháp khác để giảm nhẹ được con người, giảm nhẹ được chuyện vi phạm bản quyền”.