TNO - Từ lúc báo chí “khui ổ vấn nạn” tiến sĩ ở Việt Nam để công chúng cùng chiêm ngưỡng, một lần nữa, bài thơ “Tiến sĩ giấy” của cụ Nguyễn Khuyến sáng tác từ thế kỷ XIX lại trở nên hợp thời hơn bao giờ hết.
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè có kém ai
Mảnh áo làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá công danh ấy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Nếu chỉ đi trách các ông tiến sĩ giấy thời hiện đại thì quả cũng tội cho các ông bởi “cái giá công danh” mà các ông trả cho học vị tiến sĩ không phải là thấp. Đó là chưa kể các loại giá của học vị tiến sĩ không bao giờ ngang bằng nhau cho mỗi mảnh bằng. Điều đó thiết nghĩ mỗi người “trong chăn” đều thấu rõ hơn ai hết. Vấn đề mấu chốt ở đây là bằng tiến sĩ giấy cũng phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường. Có cầu thì có cung và có cung thì có cầu.
Đối với những tiến sĩ chân chính, con đường đến đích không phải được trải hoa hồng và họ là những nhà khoa học thực sự. Họ sống cho khoa học và vì khoa học. Còn đối với các vị tiến sĩ giấy thì họ lấy bằng tiến sĩ chỉ để sống cho cái đường công danh hoạn lộ thênh thang của họ mà thôi. Bởi lẽ, đối với các chức danh trong bộ máy Nhà nước, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là để được thăng tiến và giữ ghế chứ có ai lấy bằng tiến sĩ với mục đích cống hiến cho khoa học đâu. Quy định là vậy.
Có quy định đó thì mới có các thạc sĩ, tiến sĩ giấy nhan nhản như nấm mọc sau mưa. Cho nên, nếu chỉ ngồi mà trách các tiến sĩ giấy thì thật là thiên lệch quá bởi các tiến sĩ giấy đó cũng chỉ “thích nghi” với “sự biến đổi của khí hậu” mà thôi.
Muốn trị được căn bệnh tiến sĩ giấy thì hãy trị từ gốc chứ đừng trị ngọn nữa. Nhiệm vụ đó không thuộc về công chúng mà thuộc về Nhà nước và các cấp quản lý. Còn nếu vẫn không trị được hoặc giả không muốn trị thì tôi nghĩ rằng trong tương lai xã hội Việt Nam chắc chắn cũng sẽ phát sinh căn bệnh “phó giáo sư giấy”, “giáo sư giấy” như căn bệnh “tiến sĩ giấy”. Lúc đó, chẳng biết đất nước mình rồi sẽ đi về đâu?