LĐO - Đóng thuế là yêu nước, đã có nhiều người nói như vậy, và tất nhiên công dân có trách nhiệm với một quốc gia cũng suy nghĩ như vậy. Có nhiều người rất vui khi được đóng thuế nhiều, bởi vì họ nhận thức rằng, họ làm được nhiều tiền thì phải có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Tuy nhiên, giảm sưu cao thuế nặng cho dân, không chi tiêu hoang phí để bớt đồng thuế của dân cũng là việc phải làm. Không tham ô, lãng phí, sử dụng ngân sách chặt chẽ, chi tiêu công tiết kiệm cũng là việc phải làm.
Làm tất cả các việc đó là yêu nước.
Tại Hội thảo “Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16.5, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) - phát biểu đồng tình về việc tăng thuế xăng dầu, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách nhà nước: “Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế. Tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.
Ông Ruệ nói đến trách nhiệm công dân là điều quá đúng, nhưng cũng cần phải xem xét nhiều khía cạnh khác để cận nhân tình hơn. Có hàng vạn công nhân trong các nhà máy, thu nhập không đủ sống cho ra con người, nếu giảm được vài ngàn đồng tiền xăng, đối với họ rất có ý nghĩa. Hàng vạn ngư dân vật lộn với hiểm nguy ngoài biển, giảm được tiền xăng dầu cũng là cách hỗ trợ để họ bám biển.
Còn bao nhiêu người nghèo khác, họ sẽ có trách nhiệm công dân nhưng không phải là tăng thuế môi trường trên một lít xăng và bắt họ phải đóng.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất cần giảm gánh nặng để sản xuất kinh doanh có được đồng lời. Tiền thuế không chỉ thu từ xăng dầu, mà khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, họ sẽ đóng thuế cho Nhà nước cũng hiệu quả qua các sắc thuế khác. Kế “sâu rễ bền gốc” của Trần Quốc Tuấn phải hiểu cho thấu đáo để biết “khoan thư sức dân” thay vì tận thu sức dân.
Dân không khước từ trách nhiệm công dân trong việc đóng thuế môi trường qua xăng dầu, nhưng dân muốn đồng tiền đó phải được sử dụng hiệu quả. Đó là, dân sẽ không thở bầu không khí ô nhiễm, dân không nhìn thấy những dòng sông, hồ nước, kênh rạch dơ bẩn, dân không đọc những dòng tin về những cánh rừng bị hạ sát, dân không còn nghe bất cứ một dòng tin nào về biển bị chất độc bức tử như Formosa.
Hãy đưa ra cam kết trước khi thu thuế.