Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Người làng Vân tìm về chốn cũ mưu sinh

TÂM AN

(PL)- Dù đã chuyển hẳn vào khu định cư mới nhưng người làng Vân vẫn quay về quê cũ mưu sinh và cho thỏa nỗi nhớ làng.

Gần 12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa. Làng Vân những ngày thường vắng hoe. Dọc bờ biển, đoạn dẫn vào cổng làng là ba, bốn túp lều được dựng tạm bợ.

Nhọc nhằn mưu sinh

Tôi tìm chỗ đặt ba lô rồi ngồi xuống cạnh mâm cơm của một cư dân cũ quay về làng Vân. Có lẽ đây là lần đầu tôi nhìn thấy một bữa cơm đạm bạc đến thế. Cơm được nấu trong một chiếc nồi nhôm mỏng, hạt cơm nát, vón thành từng cục. Bên tay trái là nồi canh đựng trong ruột của nồi cơm điện, chính giữa là nồi cá biển, kho vội nên trắng bệch…

“Hai đứa ăn chi chưa? Ngồi xuống ăn luôn đi” - anh Nguyễn Mênh (sinh năm 1965) có khuôn mặt khắc khổ sốt sắng nói.

Anh Mênh sống ở làng Vân từ khi còn là cậu bé tóc để chỏm, đến nay cũng hơn 30 năm. Trải qua bao nhiêu năm, cái nhọc nhằn của nghề biển khiến vẻ ngoài của anh như già trước tuổi.

Hỏi chuyện về nghề, anh Mênh cười buồn: “Nghề biển vừa nguy hiểm vừa vất vả, chưa kể thu nhập cũng không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Có chuyến trúng, kiếm được tiền triệu thì cũng có những chuyến làm quần quật suốt đêm chỉ kiếm được vài đồng bạc lẻ”.

Ngồi cách đó không xa là ông Đặng Kim Thanh (sinh năm 1940, trú quận Liên Chiểu). Ông kể anh Mênh có bốn đứa con, đứa lớn là sinh viên đại học, đứa bé nhất mới học lớp 1. Ngày ngày vợ chồng anh trở lại làng Vân mưu sinh, còn con cái ở lại trong Hòa Hiệp.

Nghe nhắc đến chuyện con cái, trên khuôn mặt rắn rỏi của người ngư dân nghèo ngổn ngang những suy tư. Cố nén một tiếng thở dài, anh Mênh cho biết từ lúc chuyển vào khu định cư mọi thứ đều tốt hơn nhưng không phải ai cũng có thể kiếm được một công việc tử tế. Vợ chồng anh trở lại bám biển để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Khắc khoải nhớ biển

Nằm nép mình bên đèo Hải Vân, cảnh làng Vân đẹp nhưng man mác buồn. Vốn là nơi sinh sống của những người bị bệnh phong trước đây.

Gợi nhắc về một ngôi làng xưa cũ, anh Mênh kể bấy giờ không có đường vào làng ngoại trừ bằng thuyền, chưa kể tâm lý kỳ thị người dân nên nơi đây chẳng khác nào một ốc đảo.

“Chúng tôi sống theo kiểu tự cung, tự cấp, tự trồng lúa, trồng rau, vươn khơi đánh bắt cá để sống qua ngày. Thỉnh thoảng có vài chiếc thuyền của ngư dân địa phương xung quanh tấp vào làng, độ một, hai hôm rồi lại đi. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi” - anh nhớ lại.

Đến năm 2012, hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình tại làng Vân mới được TP Đà Nẵng hoàn tất di dời vào nơi định cư mới. Cuộc sống của người dân được chính quyền quan tâm, chăm sóc về mọi mặt. Mừng nhất là trẻ em của làng Vân đã có thêm điều kiện học hành. Nhưng nhiều người lớn vẫn còn mặc cảm và rất khó khăn để tìm được việc làm.

Trong sâu thẳm người làng Vân vẫn đau đáu hướng về làng cũ. Họ nhớ làng, nhớ mùi vị mặn mòi của biển cả. Vì vậy, họ thường tìm về đây mưu sinh cũng là để thỏa nỗi nhớ làng. Ông Đặng Hữu Á (sinh năm 1964) cũng là một trong những người như thế. Con cái đều đã thành đạt nhưng gần như ngày nào ông cũng tìm về đây để… chăn bò.

“Làng Vân là quê hương, là một phần ký ức không thể quên với riêng tôi. Ai sống mà không cần quê hương, không cần ký ức kia chứ” - ông Á cười hiền.
***

Ông Hồ Đắc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (nơi ở hiện tại của dân làng Vân - PV), cho biết bà con làng Vân đã và đang hòa nhập rất tốt. Hồi mới vào, nhiều người còn bỡ ngỡ, có cụ tròn mắt ngạc nhiên bảo: “Chi mà đường sá đông rứa”, ấy thế mà ở miết thành quen. “Nguồn nào cội ấy, ký ức dĩ nhiên là điều khó có thể quên. Bởi vậy việc bà con nhớ làng cũ là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng một thời gian nữa bà con sẽ ngày càng gắn bó và coi nơi này như làng cũ của mình” - ông Thắng nói.
***

Làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) như một ốc đảo nằm biệt lập dưới chân núi Hải Vân. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, làng trở thành nơi trú ẩn của người bị bệnh phong. Năm 1998, tất cả bệnh nhân ở làng Vân đã được điều trị hết bệnh, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, đến năm 2012, tất cả hộ dân nơi đây được chính quyền di dời và tái định cư tại khu dân cư Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nhường chỗ cho một dự án du lịch nghỉ dưỡng trị giá nhiều tỉ USD. Nhưng đến nay dự án này chưa được thực hiện.