Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Xây hầm qua sông Hàn: Ai được hưởng lợi?

THANH HẢI

LĐO - Lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP.Đà Nẵng đều khẳng định quyết tâm xây hầm vượt sông Hàn tại cuộc họp báo sáng 21.12 đã khiến “làn sóng” phản đối dự án này xôn xao trở lại. Ngoài những viện dẫn để chỉ rõ sự bất hợp lý, không khả thi cả phương án kỹ thuật lẫn luận chứng kinh tế, nhiều ý kiến còn phản biện rằng dự án xây dựng công trình vượt sông Hàn là phá vỡ quy hoạch của thành phố và chưa cần thiết trong bối cảnh hiện nay…

Chưa khai thác hết công suất cầu

Tại cuộc họp báo cuối năm 2016 do Bí thư và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chủ trì hôm 21.12, Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định chọn phương án làm hầm qua sông Hàn. Chúng tôi không đứng trên dư luận, nhưng không chạy theo dư luận. Hãy cho chúng tôi quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình”. Ông Xuân Anh nhấn mạnh, lãnh đạo Đà Nẵng đương nhiệm không có lợi ích riêng khi quyết định xây dựng hầm qua sông Hàn!

Không ai bác bỏ những tuyên bố đó của lãnh đạo Đà Nẵng, nhưng giới chuyên môn và người dân cần biết, vậy ai sẽ là người hưởng lợi khi xây dựng hầm qua sông Hàn ở thời điểm hiện nay? KTS Hồ Duy Diệm - chuyên gia quy hoạch tại Đà Nẵng - phân tích: Với hầm Thủ Thiêm (TPHCM) chui qua sông để kết nối một trung tâm đô thị mới của Sài Gòn. Tương lai, tuyến hầm - đường này nối với hệ thống giao thông đến sân bay Long Thành, Đồng Nai, ra Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết… nối vùng kinh tế rộng lớn hàng chục triệu dân. Trong khi hầm qua sông Hàn chỉ phục vụ không quá bán kính 5km.

Tương tự, trên 20km sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc), chỉ có 15 cây cầu để phục vụ lưu thông 15 triệu dân. Hay chỉ 10 cây cầu và vài hầm qua sông Hoàng Phố để phục vụ 10 triệu dân TP.Thượng Hải. Nghĩa là trung bình mỗi cây cầu đó đã đáp ứng lưu thông 1 triệu dân. Trong khi Đà Nẵng chỉ khoảng 800.000 dân nội đô (ven 15km bờ sông Hàn) đã có 10 cây cầu. Mỗi cầu ở Đà Nẵng hiện mới chỉ gánh 100.000 dân.

Vậy rõ ràng xây hầm không phải cho dân Đà Nẵng”. Khi làm cầu Thuận Phước, cảng sông Hàn, cảng sông Thu chưa di dời, nên phải chừa khoảng thông thuyền 27,5m, dẫn đến không thể lưu thông vận tải, không an toàn cho cả giao thông dân sinh. Nếu chậm 2 năm, khi các cảng trên sông Hàn di dời thì kết cấu cầu Thuận Phước đã khác, và bây giờ không cần tính xây thêm cầu. Ngoài ra các cầu qua sông Hàn như Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, cầu Rồng hiện vẫn thông thoáng.

Hạn chế xây cao ốc sẽ không cần thêm cầu

Theo chuyên gia quy hoạch đô thị Hồ Duy Diệm, năm 1976, Đà Nẵng có 350.000 dân và diện tích chỉ 5.000ha. Phải đến 40 năm sau - 2016, dân số mới xấp xỉ 1 triệu người, nhưng bù lại diện tích đô thị đã tăng lên gấp 5 lần, với 25.000ha. Vậy nếu bảo 20 năm tới, dân số sẽ tăng 2-3 triệu dân như lời Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ là không có cơ sở. Bởi, Đà Nẵng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chọn du lịch làm ngành mũi nhọn, TP không có các khu công nghiệp, lượng công nhân chưa tới 100.000 người, ít hơn so với ngay Quảng Nam. Dù TP có sự hấp dẫn hơn 20 năm qua cũng không thể tăng dân số cơ học đến đột ngột như vậy.

Ông Diệm phân tích thêm: “Tôi không nói thêm về những điểm bất khả thi về phương án kỹ thuật khi làm hầm chui qua sông Hàn, nhưng cũng cần cảnh báo sớm rằng, làm hầm ở gần cửa biển sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi sự thay đổi của thiên tai. Nhất là khi Đà Nẵng đã có dự án lấn biển ở khu Đa Phước - vốn là vùng tiêu sóng, gió từ biển vào cửa vịnh này. Bão tố sẽ “tìm đường” dội ngược vào cửa sông Hàn thì hầm đường không ổn. Bài học sạt lở ở Cửa Đại, Hội An đang diễn ra. Việc xây dựng trung tâm hành chính, thu hút cả chục ngàn người vào khu vực trung tâm, gây tắc đường hiện đã bộc lộ bất cập. Thế nhưng, lãnh đạo TP vẫn tiếp tục cấp phép xây dựng cao ốc, nhà chung cư, khách sạn dày đặc như hiện nay thì có xây hầm cũng không giải quyết được ách tắc cục bộ.

Hiện 10 cây cầu qua sông Hàn đã chưa khai thác hợp lý, chưa hết công suất thì xây thêm hầm để chỉ phục vụ hơn 200.000 dân ở 2 phường (Thọ Quang và Mân Thái) bên bờ đông là dư thừa. Chưa kể ngư dân 2 phường biển này ít có nhu cầu qua trung tâm TP hằng ngày. Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định không có lợi ích riêng, dân Đà Nẵng cũng chưa thấy hưởng lợi nhiều khi xây hầm. Vậy, phải chăng có lợi ích của các nhà đầu tư, các dự án bất động sản, cao ốc ở đoạn này, cả hai bờ sông Hàn?

Một số lãnh đạo tiền nhiệm ở TP.Đà Nẵng cũng lo ngại, hiện ngân sách địa phương khó khăn, nhiều vấn đề dân sinh cần thiết hơn. Chưa kể nợ xây dựng cơ bản, trong đó có cầu Rồng, Trần Thị Lý hiện chưa trả hết. Phương án tài chính để xây hầm chưa rõ ràng. Vì vậy, gấp gáp làm hầm qua sông Hàn hiện nay là biểu hiện bất thường.