Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Tiền vào ngân sách hay vào túi cá nhân?

Luân Dũng - Văn Kiên (thực hiện)

TP - “Tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được... Tiền thu được vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu thực trạng tại phiên thảo luận Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) ngày 31/10.

Đề cập đến vấn đề trụ sở, đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) ví dụ khu hành chính tập trung 2.000 tỷ đồng của thành phố Đà Nẵng. ĐB Khánh cho rằng, Đà Nẵng xây toà tháp rất lớn, nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do “không đảm bảo kỹ thuật”.

Ai cũng muốn có trụ sở riêng

Trước tình trạng lãng phí này, ĐB đặt câu hỏi: “Ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỷ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoành tráng như vậy?”. Theo ĐB Khánh, Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình hành chính tập trung áp dụng chung cho cả nước. “Công sở Nhà nước phải hướng đến cái chung, đồng bộ. Ở Malaysia, 8 bộ tập trung ở tòa tháp đôi, còn mình thì mỗi bộ một nơi”, bà Khánh nêu.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, quản lý tập trung hay trụ sở tập trung là khác nhau. Hiện có một số mô hình khu hành chính tập trung, cần có đánh giá tác động từ thực tế. “Có ý kiến đề nghị giao một bộ làm đầu mối quản lý các trụ sở ở Trung ương, tôi chưa hình dung quản lý thế nào, liệu có đẻ thêm bộ máy hay không cũng cần làm rõ. Trước đây Chính phủ có ý tưởng xây khu tập trung cho các cơ quan đại diện Trung ương ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không muốn, ai cũng muốn có một trụ sở riêng”, Chủ tịch HĐND TPHCM nói.

Cùng đề cập đến mô hình trụ sở hành chính, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình trụ sở liên cơ quan. Theo ông Hiểu, việc xây dựng khu hành chính tập trung ở một số tỉnh, thành đã mang lại nhiều lợi ích, có thể tiết kiệm diện tích, bảo vệ, hạ tầng và tạo ra nhiều tiện lợi... “Luật này nên tiếp cận xây dựng trụ sở liên cơ quan hay hành chính tập trung, nếu không thực hiện được thì mới cho độc lập”, ông Hiểu nêu quan điểm.

Lãng phí, kém hiệu quả

Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị những cái gì đã rõ, đã ổn định nên đưa thẳng vào luật, không nên để các văn bản dưới luật quy định nữa. Ông Vân ví dụ việc cấp phòng làm việc, cấp ô tô theo tiêu chuẩn cần quy định cụ thể để tránh lạm dụng. “Tiêu chuẩn chúng tôi ở Quốc hội là đi xe Altis, một ông bên Chính phủ đi Camry 2.4, dưới chúng tôi có một ông cấp cục là thiếu tướng lại đi xe xịn hơn nữa. Điều này là thiếu kỷ luật, nếu để văn bản dưới luật quy định thì dễ bị lạm dụng”, ông Vân nói.

Về chủ trương khoán xe công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, cách khoán xe công theo kilômét như của Bộ Tài chính hiện nay không giải quyết được thấu đáo, khác với cách mà cơ quan của Quốc hội làm là khoán theo tháng. ĐB Mai đề nghị cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo tính thống nhất.

ĐB Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị bỏ quy định các cơ quan Nhà nước (đơn vị sự nghiệp) được sử dụng các văn phòng, trụ sở, hội trường, xe…để cho thuê. Theo ông Phớc, nếu cho phép điều này sẽ có tình trạng chạy theo lợi ích, mà như vậy khi lập dự toán, đáng ra công trình chỉ làm hai tầng thì người ta sẽ lập ra 5 tầng, đáng ra 2.000 m2 nhưng lập dự toán 5.000 m2 để cho thuê. Rồi tiền cho thuê cũng không biết được sử dụng như thế nào.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tài sản Nhà nước rất lớn, nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, lãng phí, chưa kể bị lợi dụng để kinh doanh mà không kiểm soát được. “Từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nơi sử dụng đất đai, nhà cửa, thậm chí cả vỉa hè ở các thành phố lớn, nhưng tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tài sản công nếu đem ra kinh doanh đều phải được kiểm soát ở các góc độ khác nhau. “Doanh nghiệp hạch toán kế toán, quản lý qua hệ thống thuế, các cơ quan sự nghiệp kinh doanh cũng thế. Nếu không, tài sản công lớn, khai thác rất mạnh, nhưng tiền không vào Nhà nước”, ông Hiển nói.