Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Nhìn vào gương mặt người dân

PHẠM VŨ

TTO - Ngày mai (2-11) ông Chín Cần sẽ về với đất mẹ. Những gương mặt nhân dân mà ông đã từng kính trọng, yêu thương, nhìn vào như nhìn một tấm gương, xem tấm bảng chỉ đường vẫn ở lại.

Ở lễ viếng ông Chín Cần (tức Nguyễn Văn Chính, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam), bên cạnh những câu chuyện “xé rào”, “tiên phong đổi mới” đã được nhiều người nhắc nhở, còn có những câu chuyện khác sống động và rung động cho đến tận hôm nay.

Ông Kiều Xuân Long kể: một lần ông đưa một nhà báo nước ngoài đến nhà phỏng vấn ông Chín Cần. Cô nhà báo nói: “Tôi đã được nghe kể chính ông là người đi tiên phong trong đổi mới”. Ông Chín lắc đầu: “Không, sau này khi có nghị quyết của Đảng, mới có chữ đổi mới. Hồi đó, tôi chỉ nhìn vào gương mặt người dân. Gặp người dân, sao tôi thấy họ không còn vui vẻ thân tình với mình như hồi còn chiến tranh, như hồi mới thống nhất. Các cán bộ, đảng viên cũng không còn phấn khởi...

Tôi nói chuyện này với anh em trong các cuộc họp, họ cũng cảm thấy như vậy và thấy cần thay đổi. Những việc chúng tôi làm khi ấy là bắt nguồn từ thái độ người dân. Làm đúng, họ vui, họ thương, họ ủng hộ; làm sai, họ khó chịu, xa lánh. Tất cả hiện lên gương mặt liền...”.

Còn ông Nguyễn Trọng Xuất hồi tưởng: “Ông Chín Cần luôn nghĩ về dân, luôn muốn làm gì cho dân sống tốt hơn. Ông đã tỏ ra rất bức xúc, xót xa như ngày còn là một người nông dân thực thụ khi nghe câu chuyện trạm kiểm tra Tân Hương (Tiền Giang) tịch thu 5kg gạo của bà con mang lên Sài Gòn đổ ngâm nước, trong khi người dân thành phố đang phải ăn độn bo bo. Từ những nỗi xót xa ấy mà ông đã quyết tâm cho những bước đi tiên phong của Long An”.

Biết rõ những quy chụp “theo tư bản” nhưng ông cùng các lãnh đạo tỉnh Long An vẫn quyết tâm cải cách: thu mua hàng hóa của dân theo giá thỏa thuận, xóa bỏ cung cấp hàng hóa theo tem phiếu, bù giá vào lương cho cán bộ công nhân viên được mua bán tự do theo nhu cầu...

Ông Đặng Phong ghi lại: Khi đó đã có người hỏi: “Anh không biết sợ hay sao mà liều như vậy?”, ông Chín Cần trả lời: “Có, tôi sợ lắm chứ, tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, tôi sợ nhất là nếu cứ để tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất nên tôi phải tìm cách tránh”.

Những cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Long An, TP.HCM đến viếng tang hôm nay nhắc những lời căn dặn của ông Chín Cần: “Hội viên cần vốn - hội phải lo vốn. Hội viên cần giống - hội phải lo giống. Hội viên cần kiến thức - hội phải lo truyền kiến thức. Nếu không làm được việc đó, hội không có lý do để tồn tại”. Vẫn chính là lời dặn: nhìn vào từng gương mặt người dân.

“Giá như chúng ta có thêm nhiều những bí thư, những đảng viên như ông Chín Cần, như đã từng có các ông Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc... những người biết nhìn vào gương mặt nhân dân để mà suy nghĩ, mà chọn lựa, hành động...” - ông Kiều Xuân Long trầm ngâm nói. Những cựu cán bộ ngồi quanh ông gượng nhẹ gật đầu, rung rung mái tóc bạc. Những gương mặt hằn nhiều vết thời gian đăm đắm trông vào gian lễ tang, rầu rầu nghe tiếng nhạc Hồn tử sĩ.

Ngày mai, ông Chín Cần sẽ về với đất mẹ. Những gương mặt nhân dân mà ông đã từng kính trọng, yêu thương, nhìn vào như nhìn một tấm gương, xem tấm bảng chỉ đường vẫn ở lại. Phương châm sống và làm việc của ông “nhìn vào gương mặt người dân” cũng ở lại, cho những người đồng chí đi sau...