Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Đừng để về hưu là “hạ cánh an toàn”

Minh Anh

NLĐO - Liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những sai phạm của người về hưu cần phải thực hiện kiên quyết, không nên có vùng cấm, nhất là xác định rõ trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm khi còn đương chức gây ra

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm việc truy trách nhiệm đối với những người về hưu khi mà đương chức, họ gây ra nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý hành chính, kinh tế... gây thiệt hại rất nặng nề, như: vụ cấp phép cho Formosa; bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu, kể cả việc bổ nhiệm con cái vào các vị trí lãnh đạo; tác động để “hô biến” tài sản công thành tài sản của mình…Đây là một thực trạng đang xảy ra, nếu không có hướng xử lý, ngăn chặn thì tiêu cực, tham nhũng vẫn còn tiếp diễn.

Thực tế, nhiều vụ việc được dư luận phanh phui ra ánh sáng, cơ quan nhà nước vào cuộc để điều tra, xử lý, truy trách nhiệm nhưng phải dừng lại vì người chịu trách nhiệm chính đối với sai phạm đã về hưu. Có vụ việc dư luận đề nghị truy tố đối với cán bộ về hưu nhưng lấy lý do sức khỏe, có công, vi phạm lần đầu... nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, không khuyến khích việc tố giác sai phạm của cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước đối với những lãnh đạo đã về hưu vì nhiều người có suy nghĩ về hưu là hết, không ai làm gì được.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 với những điều luật đã được bổ sung như người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩa là, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi đã về hưu, nghỉ việc. Đây là quy định mới, thể hiện thái độ kiên quyết của nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tình trạng bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng người lao động vào làm việc trong cơ quan nhà nước một cách ồ ạt khi chuẩn bị về hưu là thực trạng đáng báo động, cần phải có hướng xử lý nghiêm túc, kiên quyết. Người bổ nhiệm sai phải bị truy trách nhiệm, xem xét xử lý kỷ luật; người lãnh đạo kế nhiệm phải hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm trái quy định trước đó. Có như vậy mới không xảy ra tình trạng lợi dụng lãnh đạo sắp về hưu để xin xỏ, chạy chọt.

Thiết nghĩ, liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những sai phạm của người về hưu cần phải thực hiện kiên quyết, không nên có vùng cấm, nhất là xác định rõ trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm khi còn đương chức gây ra.