PLS - Thời gian gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ cướp tài sản mà sau đó, hầu hết nạn nhân đều không nhớ gì về thủ phạm cũng như thủ đoạn gây án. Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là tác dụng của loại thuốc được mang tên “Mùi của quỷ” được các đối tượng lừa đảo sử dụng.
Hầu hết nạn nhân trong những vụ việc trên đều cho biết, ngoài chuyện bị người lạ tiếp cận, mình không thể nhớ bất cứ điều gì như hình dáng, khuôn mặt hay cách thức đối tượng lừa đảo. Từ đây, dấy lên tin đồn những người này bị thôi miên. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, nạn nhân bị sự tác động của một loại thuốc với tên gọi “Mùi của quỷ”, trong y học còn gọi là Scopolamine.
Có thể dẫn đến tử vong
Loại thuốc này được bào chế từ hạt của cây Borrachero, một loại cùng họ với cây hoa loa kèn, mọc hoang ở nhiều vùng tại Colombia. Scopolamine làm tim đập nhanh hơn và gây ra trạng thái kích động, ảo giác. Do đó, nhiều tổ chức buôn bán ma túy đã sử dụng chất này để chế thuốc gây nghiện.
Theo một thống kê, tháng 5/1996, có ít nhất 116 người ở Philadelphia (Mỹ) phải tới bệnh viện cấp cứu sau khi sử dụng ma túy chế từ Cocaine và Scopolamine pha loãng. Tại Baltimore (Mỹ), 3 người đã tử vong vì hít và tiêm hỗn hợp Scopolamine và Dextromethorphan (một loại thuốc giảm ho) vào người.
Thông thường, ký ức của con người được hình thành qua 3 giai đoạn: Tạo thành ký ức, hình thành ký ức dài hạn và quá trình tái hiện. Khi được đưa vào cơ thể (uống hay hít phải), Scopolamine sẽ ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu, không để ký ức được hình thành. Do đó, các nạn nhân đều không thể nhớ được điều gì đã xảy ra với mình trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian này, nạn nhân có thể bị hung thủ lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền bạc, thậm chí lợi dụng tình dục mà không hề có bất kỳ sự phản kháng nào.
“Mùi của quỷ” nguy hiểm đến mức, những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ, Canada đã phải đưa ra những khuyến cáo cho du khách đi du lịch tại Colombia phải cẩn thận khi đến các quán bar, chú ý đồ ăn và nước uống, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng có lời cảnh báo du khách phải cẩn thận với chất Scopolamine khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay thông qua đường hô hấp.
Tại Việt Nam, nhiều nghi vấn cũng cho rằng, loài hoa loa kèn thường được nhiều nhà vườn ở Đà Lạt chăm sóc thực chất cũng là một loại cây Borracheno. Chiều ngày 9/10 vừa qua, Bệnh viên Đa khoa Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận 4 bệnh nhân với các biểu hiện như ảo giác nặng, mê sảng, không kiểm soát được hành vi. Những người này cho biết, mình bị tình trạng trên sau khi ăn nồi lẩu có khoảng 20 bông hoa loa kèn.
Trong y học, Scopolamin được sử dụng trong nhiều loại thuốc với thành phần khá hạn chế, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ
Theo dược sĩ Nguyễn Thanh Huy, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Scopolamine là dược phẩm nằm trong nhóm các thuốc chống tiết Cholin (Anticholinergics), tác động lên hệ thần kinh trung ương, giúp cho các cơ dạ dày và ruột êm dịu, ngăn ngừa chứng buồn nôn và ói mửa sau phẫu thuật. Loại thuốc này cũng gây nên tác dụng phụ như liệt cơ mi mắt, dãn đồng tử, đỏ da, khô miệng, ảo giác…
Trong y học, Scopolamine là thành phần chính trong các miếng dán chống say tàu xe với khoảng 1,5 mg/ miếng. Ở dạng hít, chỉ cần từ 1mg trở lên, Scopolamine sẽ thông qua các mao mạch trong niêm mạc mũi đi thẳng lên não, gây mất kiểm soát tri giác tạm thời. Nếu sử dụng với liều cao, có thể dẫn đến tử vong.
Hơn 6 triệu đồng một lọ “mùi của quỷ”
Tìm kiếm, liên lạc khắp nơi, cuối cùng PV cũng tìm được một đầu mối chuyên bán loại thuốc Spocolamine tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi gọi vào số 093433xxx, đường dây bên kia liên tục báo bận mặc dù máy đã đổ chuông. Sau khi nhắn tin vào số điện thoại trên, nói rõ yêu cầu của mình, khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, PV đã được liên lạc lại.
Một lọ “Mùi của quỷ” được rao bán trên mạng
Đầu nậu Q. cho biết, hiện tại có hai loại thuốc Spocolamin dạng xịt và dạng nước với hai mức giá khác nhau. Loại xịt giá 5,6 triệu đồng/ chai 50 ml, sử dụng được 5 lần. Dạng nước dùng để pha vào đồ uống, không màu, không mùi, không vị giá 6,8 triệu đồng/ lọ 50 ml. “Chỉ cần 5 phút sau khi sử dụng, dù có là ma quỷ, thần thánh cũng phải nghe lời. Mấy ông thích đi bar, tán gái mà dùng loại này thì hoa hậu cũng phải đổ”, Q. quảng cáo.
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc này, Q. cho biết, đây đều là hàng được ăn trộm từ các kho thuốc quân sự ở Thái Lan, tuồn ra ngoài và xách tay về Việt Nam. “Chỗ mình là đại lý nhập hàng độc quyền bên Thái Lan về nên hàng đảm bảo chất lượng, không như những chỗ khác. Nếu sử dụng không đúng như quảng cáo, có thể gửi trả lại, mình sẽ hoàn tiền 100%”, Q. “nổ”.
Tuy nhiên, khi ngỏ ý được tận mắt xem hàng để lựa chọn, Q. cho biết, hiện đang ở Yên Bái, “nếu ông muốn giao dịch, có thể chuyển tiền qua tài khoản rồi cho địa chỉ, tôi sẽ cho người mang đến tận nơi”. Sau một hồi nói chuyện, Q. đưa cho chúng tôi địa chỉ trang web những mặt hàng mà mình cung cấp. Truy cập vào địa chỉ trên, có thể dễ dàng nhận thấy, những mặt hàng mà Q. rao bán, ngoài 1, 2 dòng chữ loằng ngoằng (được cho là tiếng Thái) đươc in bên ngoài lọ, tuyệt nhiên không còn bất cứ thông tin gì.
Thuốc “mùi của quỷ” được nhiều nước trên thế giới biết đến. Nhưng ở Việt Nam, thông tin loại thuốc này cùng những câu chuyện về nó vẫn là điều bí ẩn.
Trả lời chúng tôi, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 – Công an TP. Hà Nội) khẳng định, chưa ghi nhận về sự xuất hiện của loại thuốc này tại Thủ đô. Theo đại diện Phòng PC45, trước đến nay, trên địa bàn từng xảy ra một số vụ đánh thuốc mê để trộm, cướp tài sản. Nhưng cơ quan điều tra chưa thấy bọn tội phạm sử thuốc “hơi thở của quỷ” rồi sai khiến nạn nhân như báo chí nước ngoài từng mô tả.
Loại thuốc “Mùi của quỷ” mà nhiều người cho rằng mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam đã từng được các nhóm tội phạm trên thế giới sử dụng để gây án ở nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn: khampha.vn