Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Nghị sĩ lo giữ ghế hơn lo cân bằng quyền lực?

GS TS. Terry F. Buss, Học viện Hành chính quốc gia Mỹ

VNN - Nhiều thập kỷ qua, quyền lực của Quốc hội Mỹ đã yếu hơn so với quyền lực tổng thống và so với cả Tòa án tối cao. Các nghị sĩ quốc hội dường như quan tâm nhiều đến việc giữ chỗ cho mình hơn là sự cân bằng quyền lực.

Thỏa thuận, chứ không phải hiệp ước

Thượng viện có trách nhiệm xem lại và phê chuẩn mọi hiệp ước mà Mỹ ký với với các chính phủ nước ngoài do tổng thống đề xuất. Cái gọi là “thỏa thuận” với chính phủ nước ngoài lại không cần phải được Thượng viện thông qua.

Tổng thống Obama muốn Mỹ tham gia Hiệp ước LHQ về biến đổi khí hậu ký tại hội nghị ở Paris (Pháp), trong đó các nước nhất trí giảm khí thải carbon. Mỹ sẽ chi 130 tỷ USD đến năm 2030 để đóng góp cho hiệp ước.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo. Thỏa thuận này sẽ hủy hoại ngành công nghiệp than đá ở Mỹ, làm tăng chi phí năng lượng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và trên thực thế không đạt các mục tiêu khí hậu cần thiế để giảm khí carbon.

Một thỏa thuận như thế phải được coi là một hiệp ước, vì vậy Thượng viện – cơ quan đại diện cho dân chúng – phải được có tiếng nói. Ông Obama đã ký thỏa thuận và không để cơ hội nào cho ai phản đối nó.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Hillary Clinton đã phải trả giá: các bang phát triển ngành công nghiệp than đá như Tây Virginia, Kentucky và Pennsylvania đã bỏ phiếu chống lại bà và ủng hộ ông Trump.

Thỏa thuận Vũ khí hạt nhân Iran lịch sử là một ví dụ quan trọng hơn. Ông Obama đã cho phép Quốc hội bỏ phiếu về thỏa thuận, nhưng trước khi làm như vậy, ông đã đưa thỏa thuận này ra LHQ phê chuẩn. Việc này đặt Quốc hội ở vị trí phản đối một thỏa thuận của LHQ. Như vậy, ông Obama nắm trong tay thỏa thuận gây tranh cãi này.

Không thực thi pháp luật

Các tổng thống khi tuyên thệ nhậm chức thường khẳng định sẽ “tôn trọng, bảo vệ và bảo vệ hiến pháp”. Khi ông Obama muốn thúc đẩy nghị trình của mình, và không tìm được cơ chế nào khác để làm điều đó, ông chỉ cần không thực thi pháp luật.

Nhập cư là một vấn đề lớn mà luật pháp đã không được thực thi. Các “thành phố tôn nghiêm” là một ví dụ. Có 31 thành phố ở Mỹ đã quyết định không thực thi luật liên bang về nhập cư. Người nhập cư bất hợp pháp bị bắt vì phạm tội, trong đó có cả tội gây bạo lực và giết người, thường được cảnh sát địa phương thả thay vì chuyển họ cho các quan chức thực thi pháp luật cấp liên bang.

Công bằng mà so sánh thì chính quyền George W. Bush cũng đã tha thứ cho một số thành phố như thế. Nhưng chính sách biên giới mở của ông Obama đã dẫn tới làn sóng người đông đảo hơn, gây sức ép lớn cho các chính quyền địa phương trên khắp đất nước, buộc họ phải quản lý người nhập cư.

Minh bạch

Ngay khi nhậm chức, ông Obama đã hứa sẽ minh bạch nhất, và có trách nhiệm giải trình, thực thi. Để chứng tỏ điều này, trong ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, ông đã mở kho dữ liệu chính phủ cho công chúng.

Nhưng hầu hết các nhóm giám sát đã phát hiện rằng ông Obama có chính phủ ít minh bạch nhất trong lịch sử gần đây. Ông đã từ chối 77% số đề nghị từ công dân, yêu cầu được thông tin về Luật Tự do thông tin. Trong các trường hợp người dân được tiếp cận, các cơ quan trì hoãn đề nghị trong nhiều năm liền, vi phạm luật pháp. Trường hợp gây tranh cãi nhất là khi Bộ Ngoại giao tuyên bố với Quốc hội là sẽ không giao các bức thư điện tử của bà Hillary Clinton cho FBI trong vòng ít nhất 5 năm tới.

Ông Obama còn trừng phạt nghiêm các cựu nhân viên chính quyền của mình. Ông đã truy tố nhiều cựu nhân viên hơn bất cứ tổng thống nào và đã tạo ra số án phạt tù nhiều gấp 31 lần bất cứ vị tổng thống nào.

Có lẽ choáng hơn là cách xử trí của ông đối với các Trưởng công tố (IGs) trong chính quyền của mình.

IGs là chức danh độc lập trong từng cơ quan liên bang, chịu trách nhiệm điều tra các vụ gian lận, lãng phí và lạm dụng của cơ quan đó. Họ là các con mắt giám sát tham nhũng nội bộ trong các cơ quan nhà nước.

Năm 2014, 47 IGs đã ký vào một bức thư gửi ông Obama, than phiền rằng các cơ quan nhà nước đã không cho họ tiếp cận, xem xét các tài liệu và ngăn cản quá trình điều tra. Bộ Ngoại giao đã không gây sức ép buộc bà Hillary Clinton phải gặp IG về vụ bê bối máy chủ cá nhân/thư điện tử. Bên cạnh đó, khi các vị trí IG bị trống, ông Obama từ chối bổ nhiệm người mới. 8 vị trí hiện đã bị bỏ trống vài năm liền.

Chính trị hóa các thể chế

Cơ quan nhà nước về lý thuyết phải khách quan, cân bằng và công bằng. Trên thực tế, rất khó để đạt được điều này vì chính trị hiện diện ở mọi cấp chính quyền. Ông Obama đã chính trị hóa một số cơ quan chính phủ để theo đuổi nghị trình của mình. Đây là một vài ví dụ.

FBI. FBI điều tra vụ bà Clinton sử dụng một máy chủ cá nhân để tiến hành công việc chính phủ. Nhiều quan sát viên cho rằng bà đã sử dụng máy chủ cá nhân để che giấu tham nhũng, đạt các thỏa thuận khả nghi với các đối thủ chính trị và người dân Mỹ. FBI đã điều tra các vấn đề an ninh của máy chủ đó, nhưng không điều tra việc bà có vi phạm các đạo luật và quy định về minh bạch và giải trình hay không.

Bộ Ngoại giao. Ngay cả sau khi bà Clinton rời khỏi Bộ Ngoại giao, Bộ này vẫn tiếp tục bảo vệ bà khỏi các cuộc điều tra tham nhũng của các IGs, FBI và các ủy ban của Quốc hội. Bộ trên đã xóa nhiều tài liệu, không lưu giữ các hồ sơ của chính phủ. Bộ thậm chí sửa lại các băng video họp báo để  che giấu các sự kiện gây khó cho chính quyền.

Cơ quan Thu nhập nội địa (IRS).  Chính quyền Obama đã sử dụng cơ quan thuế để ngăn các tổ chức bảo thủ phi lợi nhuận gây quỹ tranh cử chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và chiến dịch tranh cử Quốc hội năm 2014. Dù giám đốc cơ quan này chịu trách nhiệm về các hành động bất hợp pháp này đã thừa nhận phạm tội, DOJ đã từ chối truy tố bà và không ai tham gia các hoạt động này bị trừng phạt cả. Hầu hết các Bộ lớn trong chính phủ của ông Obama đều bị làm phiền bởi các vụ bê bối liên quan đến nỗ lực bảo vệ và thực thi nghị trình của ông.

Di sản Obama

Ông Obama nhiều khả năng sẽ có ít thứ để khoe về nghị trình biến đổi nước Mỹ của mình. Điều ông không hiểu là hầu hết các hành động của ông nhằm thực thi các chính sách của mình giờ đã trở nên không thể chống đỡ dưới thời ông Trump. Ông đã không xây dựng được dù chỉ một chút xíu sự ủng hộ trong số những người phản đối ông, bằng cách xây dựng đồng thuận và thỏa hiệp. Và ông đã không nhận được sự ủng hộ của phần đông dân chúng cho các chính sách của mình.

Các nỗ lực của ông Obama – nhiều lần thành công – nhằm qua mặt Quốc hội thông qua các mệnh lệnh và quy định hành pháp đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tổng thống tương lai, người đang sốt ruột trước sự tiến triển chậm chạp của phong trào dân chủ. Không chỉ ông Obama đã tạo sức mạnh cho ông Trump, mà nếu bà Clinton chiến thắng bà cũng sẽ ưu tiên quyền hành pháp.

Các học giả chính trị luôn cho rằng nền dân chủ vận hành vì giới ưu tú tuân theo một loạt chuẩn mực như nhau từ tổng thống này đến tổng thống khác. Ông Obama đã đập tan triết lý này thành nhiều mảnh.

Nhưng dù sao cũng không thể đổ mọi lỗi lầm lên đầu ông. Nhiều thập kỷ qua, quyền lực của Quốc hội Mỹ đã yếu dần so với quyền lực tổng thống và so với cả Tòa án tối cao. Các nghị sĩ quốc hội dường như quan tâm nhiều đến việc giữ chỗ cho mình hơn là sự cân bằng quyền lực.