Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Không để nợ công vượt trần

LÊ KIÊN

TTO - Tại cuộc họp báo quốc tế (chiều 18-10) trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định quan điểm không để nợ công vượt giới hạn cho phép (65% GDP).

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 20-10.

Sẽ chất vấn 2,5 ngày

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất đã tập trung cho công tác 
nhân sự.

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình nhiều báo cáo quan trọng, như: báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020

Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2016.

Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; báo cáo về tình hình Biển Đông...

Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội trong hai ngày rưỡi.

Khoán xe như Bộ Tài chính chưa hiệu quả

Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của 
phóng viên:

* Tuổi Trẻ: Đã hai năm liên tiếp nợ chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP), có nhiều dự báo nợ công sẽ vượt trần cho phép (65% GDP) nếu tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu. Nợ công, nợ chính phủ vượt trần thì ai chịu 
trách nhiệm?

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi rất kỹ về vấn đề này. Hiện nay nợ công vẫn đang trong giới hạn trần cho phép là 65% GDP.

Mỗi quốc gia có một quy định khác nhau, có nước cho phép nợ công bằng 100% GDP. Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là kiên quyết không để nợ công vượt giới hạn cho phép.

Chính phủ cũng báo cáo là không để vượt trần này. Còn nếu để nợ công vượt trần thì cả Quốc hội và Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

* Tuổi Trẻ: Thưa Tổng thư ký, Bộ Tài chính vừa khoán xe công được dư luận hoan nghênh, tới đây Quốc hội có gương mẫu thực hiện chủ trương 
này không?

- Đây là chủ trương chúng tôi rất hoan nghênh.

Chục năm trước, một phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thực hiện rồi, hiện nay Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng đang thực hiện (ông Hùng nhận 10 triệu đồng/tháng, tự lái xe đi làm - PV), nhưng chúng tôi không tuyên truyền việc này nên có thể ít người biết.

Cách khoán xe vừa rồi của Bộ Tài chính, theo chúng tôi, cũng chưa hiệu quả lắm.

Cái chính là làm sao phải bớt được đầu xe, bớt được lái xe, chứ bây giờ mới chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thôi, tính là 15.000 đồng/km để đi taxi.

Như vậy giá cũng gần như đổ xăng vào xe công đi. Cái chính là phải khoán xe công theo hình thức xã hội hóa, giao cho các đơn vị dịch vụ công thực hiện thì mới hiệu quả.

Tức có xe chung rồi, đi đâu thì đăng ký. Chứ còn khoán từ nhà đến cơ quan thì không hiệu quả, khi cái xe công ấy vẫn giữ, tài xế vẫn lái, mỗi thứ trưởng vẫn giữ một xe. Chúng tôi đang nghiên cứu làm sao cho có hiệu quả hơn nữa.

* VTV: Quốc hội có những thay đổi gì ngay từ kỳ họp này để nâng cao chất lượng 
lập pháp?

- Vừa qua có sự cố là phải sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015.

Để khắc phục, Quốc hội sẽ có thay đổi. Vừa qua chúng ta đã tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận sâu về nội dung các dự án luật, tăng cường các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia và người dân.

Tới đây, chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc có hay không thông qua dự án luật nào đó, nếu các đại biểu Quốc hội chưa nhất trí thì 
sẽ để lại.

Quốc hội cũng sẽ tăng tính tranh luận trong các phiên thảo luận. Các bộ trưởng sẽ tham gia tranh luận, trao đổi trực tiếp ngay tại hội trường về những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Ngoài việc bấm nút, đại biểu nào muốn tranh luận thì có thể giơ biển lên để đăng ký.
***

Sẽ xem xét thông qua Luật về hội

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết, bao gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, Quốc hội thảo luận về 12 dự án luật khác.