Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Người dân được trực tiếp liên lạc và thông tin với Chính phủ

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Nhìn lại việc phòng chống tham nhũng thời gian qua, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc này chưa thành công như mong đợi, đó là qui định không chấp nhận đơn thư nặc danh. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo...

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 3/4 vừa qua, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ (http://nguoidan.chinhphu.vn) đã chính thức được đi vào hoạt động. Đây là bước đi quyết liệt hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, với hệ thống này, người dân dễ dàng truy cập từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp.

Hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cũng sẽ được nắm bắt nhanh chóng.

Đây là thông tin nức lòng bởi từ nay, tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều có thể liên lạc và thông tin trực tiếp ý kiến đến Chính phủ của mình.

Trong tình hình hiện nay, không khó để dự đoán rằng đây sẽ là luồng thông tin khổng lồ đến với Chính phủ từng giờ, từng phút. Do là không gian ảo nên trong đó, chắc chắn cũng sẽ có không ít ý kiến tố cáo tiêu cực, tham nhũng không ghi đúng tên tuổi mà dưới hình thức nặc danh.

Câu hỏi đặt ra, những thông tin này sẽ được xử lý như thế nào bởi đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi với những ý kiến khác nhau.

Trên báo Đại biểu Nhân dân ngày 14/3, bài “Có nên mở rộng hình thức tố cáo?” cho biết, tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật đề nghị cần bổ sung hình thức tố cáo khác như qua bản fax, email, điện thoại, mạng thông tin điện tử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, đây là các hình thức thông tin thông dụng, tiện lợi, phổ biến hiện nay.

Trong khi đó, một số ý kiến khác tán thành với quy định chỉ xử lý đơn thư có tên tuổi, địa chỉ của dự thảo Luật để tránh tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc xác minh người tố cáo và nội dung tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga còn cho biết, Luật của Quốc hội phải bảo đảm tính thống nhất bởi tờ trình của Chính phủ mới thể hiện hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định:

“Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.

Nhìn lại việc phòng chống tham nhũng thời gian qua, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc này chưa thành công như mong đợi, đó là qui định không chấp nhận đơn thư nặc danh. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo.

Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp người tố cáo bị “sầy da, tróc vẩy” nhiều năm trời, khi “được vạ thì má sưng”…

Vì thế, mong rằng qua cổng thông tin này, Chính phủ sẽ có thêm nhiều giải pháp để tương tác sâu rộng với người dân, nhất là tiếp cận và xử lý những phản ánh, tố cáo của người dân dưới nhiều hình thức để góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng có hiệu quả.