Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Nghĩ về lòng tự trọng trong nghề giáo thời nay

Huy An

Petrotimes - Từ việc trường Đại học Hùng Vương không được tuyển sinh viên trong 4 năm, hiệu phó đến tuổi nghỉ hưu nhưng quyết bám trụ; cho đến chuyện thầy cô trong ban giám hiệu dùng đủ cách để tranh giành quyền lực, lợi nhuận ở Đại học Hoa Sen. Chưa bao giờ nghề giáo cao quý lại trở nên nhộn nhạo, đáng buồn như lúc này.

Trường ĐH Hùng Vương đã 4 năm trường không được tuyển sinh, hiện không còn nguồn thu. Những năm qua, thu không đủ chi dẫn đến lỗ trầm trọng, thâm hụt vốn pháp định do cổ đông đầu tư nên buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhiều người lao động.

Trường cũng cam kết thực hiện theo đúng quy định của luật lao động và chi trả các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo phương án sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động tự nguyện làm việc tiếp sẽ được chuyển sang Công ty cổ phần đầu tư phát triển trường Đại học Hùng Vương. Sau khi trường được tuyển sinh trở lại thì xem xét quay về trường công tác...

Tuy nhiên, các giáo viên của trường đã gửi đơn từ đi khiếu nại nhiều nơi, dù rằng, 4 năm nay, trường không tuyển được sinh viên để dạy.

Điều gì đã khiến một trường ĐH một thời danh tiếng bị lao xuống vực thẳm?

Trường ĐH Hùng Vương được thành lập ngày 14/5/1995 theo quyết định số 470/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường phát triển và công tác tuyển sinh hàng năm cũng rất ổn định, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường tăng hằng năm. Đỉnh cao nhất là giai đoạn 2008 - 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2010, những lùm xùm trong việc chuyển đổi mô hình, việc xác định vốn sở hữu tập thể không tính đúng, tính đủ… Cộng với chuyện lạm quyền trong quản lý đã khiến nội bộ trường chia thành nhiều chiến tuyến.

Mâu thuẫn nội bộ kéo dài, liên tục xuất hiện các đơn thư khiếu nại tố cáo. Đỉnh điểm nhất, ngày 6/3/2012 Bộ GD&ĐT có quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Hùng Vương.

Những tưởng đây là sẽ là bài học đắt giá để trường Hùng Vương nhìn nhận lại vấn đề thì trường lại tiếp tục đi xuống vực thẳm bằng những lục đục nội bộ.

Đến giờ phút này, đứng trước nguy cơ giải thể, thì người ta vẫn thấy ở đây bản chất “tranh quyền cố vị” trong một môi trường giáo dục.

Xin nhắc lại trong số lao động bị cho thôi việc có 3 cán bộ đến tuổi hưu. Trong đó có ông Nguyễn Mộng Giao (Phó hiệu trưởng).

Ông Nguyễn Mộng Giao cương quyết không rời ghế vì cho rằng quyết định cho ông nghỉ việc là... sai.

Nhiều cán bộ, giảng viên khác cũng không chấp nhận việc bị chấm dứt hợp đồng. Mặc dù, suốt 4 năm trường không được tuyển sinh, thì những người gắn mác các thầy, cô giáo “bám trường” sẽ dạy dỗ ai, trong khi lương vẫn hưởng đều đều?

Thảm cảnh này đã khiến một nhà giáo dục phải than phiền rằng: “Chưa bao giờ đọc thông tin về giáo dục mà buồn như hôm nay. Từng là một trường Đại học lớn, giờ Hùng Vương chỉ còn lại là một bãi tro tàn”.

“Ngay khi chỉ còn là một bãi tro tàn, người ta còn cố bám víu vào để kiếm ăn. Nho giáo ngày xưa có nhiều cái hủ bại nhưng cũng có cái hay. Một cái hay lớn là dạy con người ta biết tự trọng - "Sĩ khả sát bất khả nhục" - kẻ sĩ có thể giết chứ không thể chịu nhục. Như ông hiệu phó, 4 năm trường không tuyển sinh, không có sinh viên để dạy, mà vẫn tại vị, ăn lương hàng tháng. 

Giận thay những người tự xưng là nhà giáo, là lãnh đạo nhà trường... mà chỉ vì tham quyền, cố vị, quyết tâm giữ ghế khiến cho trường đi đến ngày hôm nay”.

Thực tế, trường ĐH Hùng Vương không phải là trường đầu tiên vấp phải bi kịch "tham quyền cố vị" kiểu này.

Trước đó, trường ĐH Hoa Sen cũng khiến học sinh và phụ huynh đau đầu khi một vài thầy cô giáo trong ban giám hiệu đứng lên "đấu đá" để tranh dành quyền lực với các nhà đầu tư giáo dục.

Ban giám hiệu gây áp lực với giảng viên, nhân viên nhà trường, lôi kéo sự ủng hộ của dư luận bằng cách tuyên bố "trường hoạt động phi lợi nhuận". Nhưng người trong cuộc đều hiểu rằng, đây là một "chiêu bài" do cô hiệu trưởng vẽ ra để che giấu sai phạm, thâu tóm quyền lực, gạt các nhà đầu tư giáo dục tâm huyết sang một góc để dễ bề điều hành.

Và từ khi ban giám hiệu "khởi tranh quyền lực" thì trường Đại học Hoa Sen cũng tuột dốc không phanh, hàng trăm giảng viên, nhân viên ưu tú phải ra đi và môi trường học tập cũng không còn được lý tưởng như ban đầu.

Dù trước đó, trường này được ví là "RMIT của Việt Nam", "đại học quốc tế của Việt Nam".

Những hậu quả này, không ai khác, sinh viên phải là người gánh chịu.

Hình ảnh người thầy vốn đẹp và thanh cao trong suy nghĩ bao thế hệ người Việt Nam, cũng vì thế mà đang dần nhạt phai, đầy tiếc nuối.