Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Chuyện ông bác sĩ xây cầu cho dân

Phan Sơn

TTTG - Không có gì liên quan giữa một nhân viên y tế và việc xây cầu, nhưng ngoài việc làm “cầu nối” giữa bệnh nhân nghèo và các mạnh thường quân, bác sĩ Lê Hoàng Khoa còn vận động xây một cây cầu thực sự cho dân. Một tinh thần dấn thân vì cộng đồng chưa gặp nhiều ở người thầy thuốc thời nay.

Nghề chọn người

Gặp Lê Hoàng Khoa lần đầu, người ta khó tìm được sự liên kết giữa anh và y khoa, bởi anh không có dáng vẻ tao nhã và ăn nói khéo léo của một bác sĩ, mà thay vào đó là ngoại hình cơ bắp và nói năng chân chất của một lực điền.

Nhưng tiếp xúc nhiều, người ta mới biết đằng sau sự thô ráp này là một người thầy thuốc thật sự.

Sinh năm 1978, lớn lên và học hành tại Kiên Giang, Lê Hoàng Khoa cho biết trong gia đình anh trước đó chẳng ai theo ngành y. Vậy mà khi thi đại học, anh chọn y khoa để theo đuổi. Hỏi vì sao quyết định như thế, anh trả lời đơn giản: “Vì tôi thích chữa bệnh cứu người”.

Tốt nghiệp đại học Y khoa TPHCM năm 2004, bác sĩ Lê Hoàng Khoa về làm cấp cứu nhi tại bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ở đây, lăn lộn với những tua trực và vô số ca bệnh thập tử nhất sinh, anh đã vỡ ra nhiều điều về “nghề cứu người”.

Ngày nọ, một đàn anh làm tim mạch can thiệp gọi anh vào phòng thông tim cho xem công việc mình làm và khuyên: “Cậu học nghề này đi, ngành thời thượng đó”.

Khi đó bệnh viện Kiên Giang phát triển được thông tim can thiệp chữa bệnh mạch vành người lớn, trước đó lại có phẫu thuật tim, nay nếu có thêm thông tim can thiệp chữa bệnh tim trẻ em thì thật ý nghĩa. Bác sĩ Khoa nhận ra điều này và anh xin chuyển sang lĩnh vực mới. Vậy là anh khăn gói lên TPHCM ròng rã hai năm trời “ăn nằm” tại bệnh viện Nhi Đồng 1 học nghề.

“Những ngày đầu đi học tối về tôi không sao ngủ được, ê ẩm cả người vì phải mặc chiếc áo chì nặng cả chục ký và đứng suốt nhiều giờ đồng hồ liên tục”, bác sĩ Khoa tâm sự.

Tim mạch can thiệp là một ngành độc hại vì môi trường làm việc đầy tia X, tác nhân có thể gây vô sinh và ung thư. Vì thế, khi làm việc  thầy thuốc phải mặc áo chì để che chắn. Đó là một trong những lý do mà nhiều bác sĩ không mặn mà với lĩnh vực này.

Nhưng ngày kia bác sĩ Khoa ngộ ra mình đi đúng đường. Anh nói: “Sau khi chúng tôi cấp cứu thành công một ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp bằng thông tim, mẹ em bé bật khóc nức nở vì hạnh phúc. Khi đó tôi mới nhận ra giá trị của ngành này. Trước đó em bé tím tái, sinh mạng như chỉ mành treo chuông, nhưng chỉ sau hơn một giờ thông tim, em bé hồng hào và quay về với cuộc sống”.

Học nghề xong, về lại bệnh viện, phải hai năm sau bác sĩ Khoa mới chính thức được làm công việc mình học. Nhưng bước đầu chỉ là những ca dễ, những ca khó và phức tạp, anh “gom” lại để mỗi tháng thầy anh, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, phó khoa tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, xuống tiếp tục “cầm tay chỉ việc”.

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nhận xét: “Coi vậy chứ bác sĩ Khoa rất khéo tay và chịu học. Nhưng điều làm tôi thích nhất ở cậu ấy là tấm lòng yêu thương người bệnh và giúp đỡ cộng đồng”.

“Cầu Ông Khoa”

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nói đúng. Tại bệnh viện Kiên Giang nhiều người biết đến bác sĩ Lê Hoàng Khoa trong vai “ông bụt” giúp bệnh nhân nghèo.

Tháng 12/2015, tại bệnh viện này, tôi chứng kiến hình ảnh xúc động của chị Nguyễn Thị Lành, 39 tuổi, ngụ tại Gò Quao, sau khi được can thiệp khỏi bệnh thông liên nhĩ bẩm sinh, trên băng ca chuyển ra ngoài đã nói với theo người bác sĩ giúp đỡ tài chính cho mình: “Đội ơn bác sĩ Khoa”.

Tổng chi phí cho ca can thiệp này lên đến 50 triệu đồng, số tiền quá lớn với một gia đình nghèo, năm miệng ăn mà chỉ có một lao động chính. Tôi hỏi bác sĩ Khoa: “Tiền đâu anh giúp chị Lành?”. Anh trả lời: “Tôi chưa biết, nhưng cứ để đấy, tôi sẽ nhờ mạnh thường quân giúp”.

Đó là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo được chữa khỏi bệnh tim thông qua “cầu nối” bác sĩ Lê Hoàng Khoa. Nhưng bác sĩ Khoa còn được biết đến nhờ việc xây một cây cầu thật sự cho dân nghèo.

Tháng 7 năm qua, nhiều người dân ấp Hoà Phước, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang mừng vui rơi nước mắt khi chứng kiến cây cầu bắc qua kinh Ông Hiển với phường An Bình, TP Rạch Giá, niềm mơ ước bấy lâu nay của họ, đã xuất hiện ngoài đời như chuyện thần tiên.

Đúng là chuyện thần tiên, vì mấy chục năm qua, chính quyền xã không xây nổi cây cầu này, cho dù khoảng cách giữa hai bờ chỉ độ 30 mét. Có người nói, vì lợi ích kinh tế nên chính quyền xã “bắt tay” với chủ đò đưa khách, tìm mọi cách gây khó dễ cho những ai có ý định xây cầu.

Nhưng bác sĩ Lê Hoàng Khoa không ngại khó. “Ấp có 205 hộ, trong đó có 30 hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, đời sống ở đây khó khăn lắm, cách TP Rạch Giá chỉ một con kênh, nhưng đến năm 2013 ấp mới có điện lưới quốc gia. Muốn đi từ bờ này sang bờ kia, người dân chỉ có một cách là qua đò. Đêm hôm, có chuyện hữu sự như đau ốm, đi cấp cứu, gọi chủ đò rất lâu mới được.

Đã có trường hợp bệnh nhân gặp sự cố thương tâm do đến viện chậm. Cũng có người từng rớt xuống nước vì gặp sóng to, gió lớn”, anh chia sẻ.

Cuối tháng qua, chở tôi đi xem cây cầu ấp Hoà Phước, anh Nguyễn Hữu Hận, cán bộ ấp, nói chân tình: “Cây cầu này mà không có bác sĩ Khoa chắc chẳng bao giờ ra đời được”.

Đúng thế, không chỉ là một trong những người khởi xướng xây cầu, bác sĩ Khoa còn đi vận động các nhà hảo tâm bỏ tiền, kêu bạn bè làm bản vẽ, nhờ người thân có quan hệ gõ cửa xin chính quyền và các ban ngành thông qua dự án. “Trầy trật lắm anh ơi”, anh Hận nói.

Chiều 29/1, sau giờ làm việc tại bệnh viện Kiên Giang, bác sĩ Khoa chở tôi ghé lại cây cầu, nhìn người dân qua lại dễ dàng không còn vất vả như xưa, chứng kiến những em bé đứng hóng mát, chơi đùa hai bên đầu cầu, bác sĩ Khoa tư lự: “Chung quanh đây cần nhiều cây cầu như thế lắm”.

Từ bao đời nay, cầu đường đâu chỉ là đường đi mà còn là phương tiện giúp con người thoát khỏi lạc hậu, nghèo đói đến với bến bờ văn minh, sung túc. Thế mà phải mất hơn 30 năm, một cây cầu dài 30 mét mới có thể ra đời nhờ nỗ lực tự thân của người dân.

Tôi hỏi bác sĩ Khoa: “Sao người ta không đặt tên cây cầu này là “Cầu Ông Khoa” cho ý nghĩa?”. Anh nói: “Không cần đâu, giúp được gì cho dân nghèo thì tôi giúp. Nhưng đâu chỉ có tôi, cầu ra đời còn nhờ nhiều người khác nữa mà”.

Nói thế chứ trên tấm biển đặt ngay đầu cầu, cộng đồng cũng ghi nhận anh với tư cách đồng chủ dự án cùng hội hữu nghị Việt Nhật.