VNEco - Hoàn thành ngày 17/10, báo cáo này vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội...
Có đến gần 500 con số 0 xuất hiện tại một phụ lục trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ. Hoàn thành ngày 17/10, báo cáo này vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trước thềm kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc sáng 20/10.
Kèm theo báo cáo có hai bản phụ lục, trong đó phụ lục 1 là biểu tổng hợp kết quả kê khai tài sản năm 2015.
Tại đây có đầy đủ danh tính của các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Theo đó, có 1.013.256 người phải kê khai tài sản thu nhập trong năm, số người đã kê khai là 1.004.220, số người công khai theo hình thức niêm yết là 319.875, số người công khai theo hình thức cuộc họp là 673.252 người. 414 là số người được xác minh tài sản, thu nhập.
Các cột tiếp theo, cột số 7 thông tin về số người đã có kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Cột số 8 là số người đã bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Cột số 9 thể hiện số người đã bị xử lý kỷ luật do chậm tổ chức kê khai, chậm kê khai, chậm tổng hợp báo cáo kết quả minh bạch tài sản. Số người đã bị xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập là thông tin được thể hiện tại cột số 10.
Ở 4 cột từ 7 đến 10 nói trên, cả hàng dọc và hàng ngang đều là những con số 0.
Qua phản ánh từ những con số này, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến vượt bậc.
Tuy vậy, cũng theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác này . Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng, chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Nhận định tiếp theo, cũng từ đơn vị lập báo cáo là nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm đầy đủ trình tự, thủ tục kê khai và công khai, còn lúng túng trong việc hướng dẫn nguyên tắc, phạm vi biến động tài sản, loại tài sản, thu nhập phải kê khai, giải trình.
Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Chính phủ đánh giá, công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống. Thu nhập ngoài lương còn khá phổ biến nhưng chưa có cơ chế để kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế.
Qua nhiều khoá Quốc hội, cử tri vẫn liên tục kiến nghị về các giải pháp để kiểm soát thu nhập một cách hiệu quả. Gần đây, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã trình Chính phủ đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và tham mưu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Theo dự kiến, dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10.
Nhưng nội dung này đã được rút khỏi chương trình kỳ họp với giải thích, để sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 11) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi .