TTO - Từ năm 1980 đến 2015, cả nước có 11.619 GS, PGS. Riêng năm 2016 có thêm 703 GS và PGS. Theo Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn.
Ngày 5-11 tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận công nhận chức danh GS, PGS năm 2016 cho 703 nhà giáo. Trước đó, cả nước có 11.619 GS, PGS.
Đã có hơn 12.000 GS, PGS
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tri thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt”, “xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh sẽ trực tiếp nâng tầm trí tuệ dân tộc, sức mạnh của đất nước”. Trong đó, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt các GS, PGS, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục nói riêng, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 GS và 9.939 PGS. Riêng năm 2016 có thêm 65 GS và 638 PGS được công nhận.
Theo Bộ trưởng Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu.
Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức và giảng viên đại học, thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.
Được biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương phối hợp với Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Việc công nhận chức danh GS, PGS phải đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, xu thế phát triển của giáo dục đào tạo trên thế giới, phù hợp thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn và phương thức đánh giá, đồng thời kế thừa, phát huy truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Làm gì để giữ gìn Biển Đông, làm gì để giúp đồng bào đương đầu với thiên tai, lũ lụt?
Chia sẻ với các GS, PGS, GS.TSKH Trần Văn Nhung- Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cho rằng hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đánh giá cao những cống hiến và đóng góp quan trọng của các GS, PGS nhưng cũng mong mỏi các tân GS, PGS - những người mang chức danh khoa học cao quí ở các cơ sở giáo dục đại học - nghĩ về trọng trách của mình từ ngày hôm nay.
Sau khi đạt chức danh ta sẽ làm gì, đó là mong mỏi, là kỳ vọng cao hơn của đất nước, của nhân dân.
GS Nhung cho rằng Việt Nam đang còn có ít các nhóm nghiên cứu mạnh, ít các trường phái khoa học nổi tiếng. Đây là điểm yếu của các đại học và các viện nghiên cứu. Các tân GS, PGS phải góp phần xây xựng được môi trường học thuật cho văn hóa tiến bộ.
“Nếu nhìn rộng ra khu vực và thế giới, chúng ta còn tụt hậu khá xa. Thành tựu về công nghệ, kết quả về nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn còn rất khiêm tốn. Số lượng phát minh, sáng chế được đăng ký, công nhận và những đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội lại càng khiêm tốn hơn.
Trong khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta chưa làm lan tỏa mạnh được văn hóa Việt, hồn Việt ra với cộng đồng quốc tế một cách rộng rãi.
Trí thức đã giúp dân tộc, đã tư vấn cho Đảng và Nhà nước tăng cường cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” như thế nào để gìn giữ và bảo vệ Biển Đông của chúng ta, đã giúp đồng bào ta như thế nào để đương đầu với những vụ như Formosa và lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung vừa qua?” - GS Nhung trăn trở.
Hội đồng chức danh GS Nhà nước cũng cho rằng cần phải củng cố và xuất bản thêm báo, tạp chí khoa học, sách và các tài liệu tuyên truyền đại chúng bằng các thứ tiếng quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh.
Đây là điều kiện quan trọng để thông tin và trao đổi với thế giới, nhất là trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vì nó có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo về Tổ quốc, bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, nhất là khi có những can thiệp thô bạo của nước ngoài, bất chấp luật pháp quốc tế trên biển Đông.
***
Trong đợt công nhận chức danh GS, PGS năm 2016, GS. Trần Đình Thắng, 41 tuổi, ngành Hóa học, Trường Đại học Vinh là tân GS trẻ nhất. PGS trẻ nhất là nhà giáo Trần Xuân Bách, 32 tuổi, ngành Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
Theo GS Nhung, năm nay có một ứng viên xét đặc cách GS là TS Đào Văn Lập, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Úc, ngành Vật lý, với nhiều công trình và hoạt động khoa học xuất sắc: 110 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.