Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tái cơ cấu hay xuống hố?

FB Hao Truong

Mấy hôm nay Quốc hội bàn sôi nỗi về tài cơ cấu nền kinh tế.

Ngồi đọc báo, xem mấy phát biểu của các vị lãnh đạo/ các vị tham mưu về tái cơ cấu kinh tế, nhiều nội dung mình thấy không hiểu.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT đưa ra con số 480 tỷ USD cần huy động để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó 2/3 là huy động từ các nguồn lực xã hội, trong đó có của người dân.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW lại nói rằng vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực mà quan trọng hợn là phân bổ lại nguồn lực để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực hiện có.

Và ông nói thêm: Nếu mãi mê huy động và huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là bay lên.

Đây là 2 cơ quan quan trọng tham mưu cho Chình phủ về quản lý kinh tế nhưng suy nghĩ của họ lại khác nhau. Gần như mỗi ông nói mỗi kiểu. 

Đại biểu Quốc Hội thì mỗi ông nói mỗi phách theo quan điểm địa phương, không biết đâu mà lần.

Làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế đi lên đúng là phức tạp, nhất là đối những người không biết nhiều về kinh tế như mình. Nên thôi không có ý kiến gì.

Nhân chuyện tái cơ cấu, mình nhớ tới khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa.

Khái niệm này ở Việt nam nhiều lãnh đạo cũng như chuyên gia kinh tế, không có ai giải thích rõ ràng được nội hàm của nó nhưng ta vẫn cứ sử dụng và nói khắp nơi.

Khi mình không hiểu rõ được nội hàm của nó thì làm sao cắt nghĩa cho thế giới hiểu được. Ra nước ngoài người ta chất vấn, các vị cứ nói theo suy nghĩ của mình và người ta không hiểu nó là cái gì.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT lại nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm”.

Theo mình thì nên bỏ cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’ đó đi, cho dễ hiểu.

Kinh tế thị trường là kinh tế thị trường. Còn việc định hướng thế nào thì Chính phủ có các chính sách xã hội nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện cho các thành phần yếu thế hơn trong xã hội tồn tại và phát triển.

Không cần sử dụng từ ngữ, khái niệm gì mà thế giới không có, cho nó đỡ phức tạp, khỏi phải giải thích với thế giới, cho đỡ tốn công.

Thỉnh thoảng mình cũng nghe trên TV, Thủ tướng đi các nước gặp lãnh đạo các nước luôn đề nghị các nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường.

Việc này mình cũng không hiểu. Tại sao chúng ta không thực hiện đúng các yếu tố, các tiêu chí của một nền kinh tế thị trường như các nước để người ta công nhận cho nó khỏe. Sao lại không chịu làm và phải đi đề nghị với nước này, nước khác cho nó mệt. Giống như đi xin người ta.

Theo tìm hiểu, mình biết 1 trong những yếu tố quan trọng mà các nước xem xét và công nhận kinh tế thị trường, đó là các thành phần kinh tế phải được đối xử bình đẳng. Nhưng ở VN hiện nay chúng ta vẫn dành ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước thì làm sao có bình đẳng được?

Cái nữa là doanh nghiệp Nhà nước phần lớn là không hiệu quả nhưng ta vẫn muốn nó giữ vai trò chủ đạo. Đúng là khó hiểu.

Khi nhiều nước quan trọng như Mỹ và Châu Âu chưa công nhận kinh tế thị trường của VN, ai cũng biết, ta gặp rất nhiều bất lợi, chịu nhiều thua thiệt, nhất là các doanh nghiệp khi hội nhập với thế giới.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán HĐ Thương Mại Việt –Mỹ nói thẳng là nhiều khi ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu luật chơi thế giới.

Kết thức stt này với phát biểu của bà Phạm Chi lan: “Trong thế giới hiện nay, không phải chỉ đối với các quốc gia, công ty, mà đối với từng con người cũng vậy, rất cần một cái nhìn mở, sẳn sàng học hỏi, chứ đừng để một lý thuyết nào đó trở thành mũ kim cô của mình. Không thay đổi trong thế giới này thì sẽ không thể nào tồn tại được một cách vứng chắc được đâu”.

Không chịu học hỏi và không chịu thay đổi những yếu tố nền tảng đó, mình tin chắc tái cơ cấu kinh tế cũng không thể thành công.