Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

‘Lúc đó, tôi rất bàng hoàng, tôi quẫn lắm rồi’

Nguyễn Anh Thi

VNN - Tình cảnh của tài xế của chiếc xe tải bị cháy ở Bình Định có khác chi với lái xe Hồ Kim Hậu bị hôi bia ở Đồng Nai năm xưa.

Tiếng kêu thất thanh của một người đàn ông trước cảnh đám đông tại Bình Định nhân một chiếc xe tải bị tai nạn xông vào hôi đồ có thể rất lớn, nhưng chẳng ai nghe thấy.

Hoặc có lẽ họ nghe nhưng chẳng quan tâm mà cứ lao vào cướp tiếp.

Và ở một góc đường, người lái xe mình trần trùng trục, khóc ròng. Chiếc xe của anh gặp nạn tại Bình Định ngày 1/11/2016 nên bị cháy, nhiều mặt hàng trên thùng xe hư hỏng, nhưng hàng chục người cầm bao và túi nilon tới xới tung lên và lấy đi các thùng hàng sót lại.

Đó là cảnh trượng trong một clip đang lan truyền nhanh chóng trên mạng.

Một vụ cướp. Giữa thanh thiên bạch nhật. Những người đi cướp có lẽ không phải là phường chuyên nghiệp mà chỉ là những người dân thường, hàng ngày đều cặm cụi làm ăn đơn thuần. Nhưng chính vì vậy mà càng khiến chúng ta lo lắng, hoang mang. Tại sao những người ấy lại dễ dàng đánh mất căn tính trong hoàn cảnh mà đúng ra phải góp sức tương trợ đồng bào mình?

Chợt nhớ tới những cảnh tương tự. Xa hơn là cảnh hôi bia của một lái xe tải ở Đồng Nai cách đây vài năm. Cũng là do người dân xông vào cướp về nhà. Gần hơn là cảnh xông vào tranh tang vật cần tiêu hủy vì xâm hại sở hữu bản quyền ngay tại cơ quan Bộ Khoa học công nghệ môi trường, mà lần đối tượng là cán bộ và nhà báo.

Điều gì đang xảy ra vậy?

Thật khó diễn tả bằng lời. Một người ngang dọc trên đường trường Nam Bắc, biết mọi ngôn ngữ và cách hành xử để có thể tồn tại giữa những khốc liệt đời sống như anh lái xe tải mà chỉ biết khóc. Bởi xe anh lái vừa cháy rụi, chưa kịp mừng vì thoát thân thì đã phải chứng kiến cảnh đồng loại chen lấn nhau để cướp nốt chỗ hàng còn sót lại.

Tình cảnh của anh có khác chi với lái xe Hồ Kim Hậu bị hôi bia ở Đồng Nai năm xưa. Đây là lời kể của anh:“Tôi nhảy xuống xe, chạy lại đống đổ nát thì người dân hai bên đường ùa tới. Tôi can được người này thì người kia chạy vô lấy. Khoảng 5 phút sau, số lượng đông quá nên tôi không can ai được nữa, tôi quay lại xe để giữ số bia còn lại. Lúc đó, tôi rất bàng hoàng, tôi quẫn lắm rồi, van nài xin bà con đừng lấy, nói bằng tiếng miền Trung: “Tôi xin bà con đừng lấy bia của tôi! Để bảo hiểm làm xong thì tôi để cho bà con lấy”, nhưng bất lực”.

Tôi chạy ra xe, coi còn tấm bạt phủ không thì thấy có một người dân đang kéo đi, tôi xin: “Chú cho con xin lại tấm bạt, con mua 6 triệu đồng, chú cho con xin”. Lúc đó, ông ta nhìn tôi một lúc rồi mới buông tay ra. Chưa hết, còn có một cặp vợ chồng cũng ùa tới lấy bao bì; tôi xin lại, tôi năn nỉ họ để bảo hiểm tới làm việc, nhưng họ vẫn mặc kệ, đến khi có một số người tới nói thì họ mới bỏ đi.”

Nhớ vài năm trước, vụ hôi bia ở Đồng Nai đã bị biết bao nhiêu người lên án. Và cộng đồng xót thương người lái xe đã gom tiền gửi để giúp đỡ lái xe. Công an địa phương khi đó cũng tích cực tham gia vụ việc, yêu cầu những người hôi của phải trả lại hàng và có hình phạt nghiêm minh. Hai người bị truy tố và 12 người bị phạt hành chính.

Chuyện ồn ào đến mức sau đó nhiều người chắc mẩm việc tày trời như thế sẽ không bao giờ còn tái diễn. Nhưng vụ việc ở Bình Định lần này, một lần nữa cho thấy một số người dân vẫn coi thường cả luân thường đạo lý lẫn luật pháp.

Nhớ lại cách đây hai năm, tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã ở mức “không bình thường, không thể xem thường”. Và Hội nghị này cũng nhắc tới tình hình xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội rất đáng lo ngại.

Hai năm sau, dường như mọi việc chưa có nhiều tiến triển gì hơn.

Giờ hy vọng là các nhà quản lý, cơ quan công quyền và cộng đồng xã hội một lần nữa cần tham gia vào vụ việc ở Bình Định với sự nghiêm khắc và công minh nhất, không thể coi đây là chuyện nhỏ. Nếu không những chuyện đau lòng và băng hoại đạo đức xã hội này sẽ có cơ tiếp tục nảy nòi.