VNN - Hiện chưa có giải thích rõ việc thăm gặp riêng tư của phạm nhân là nhằm thực hiện một quyền hiến định hay là một chính sách nhân đạo của nhà nước.
Việc pháp luật cho phép phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng không phải là quy định mới ở Việt Nam. Nhưng mới đây, chủ đề này được chú ý khi Bộ Công an lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân[1], trong đó có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải cam kết không được có thai. Điều khoản này đang nhiều ý kiến trái chiều.
Quyền con người hay đặc quyền?
Theo kinh nghiệm trên thế giới, không nhiều quốc gia cho phép phạm nhân được gặp vợ/chồng một cách riêng tư. Theo thống kê (có thể chưa đầy đủ), đó là các nước: Hoa Kỳ (một số bang), Australia (một số bang), Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ireland, Israel, Mexico, New Zealand, Pakistan, Nga, Arab Saudi, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Chính vì vậy, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an chia sẻ rằng “Tôi đi nước ngoài và có trao đổi với họ về việc cho phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng, họ tỏ ra khá ngạc nhiên về điều này và cho rằng đây là một điểm tiến bộ của Việt Nam”.[2]
Ở các nước trên, mức độ cho phép cũng rất khác nhau. Một số nơi rất thoáng như Mexico cho phép tù nhân gặp bạn trai/bạn gái (không nhất thiết có quan hệ hôn nhân) và thậm chí bạn đồng giới (riêng ở thành phố thủ đô Mexico). Phạm nhân nam ở Arab Saudi, một quốc gia Hồi giáo vẫn mang tiếng hà khắc, có thể gặp mỗi người vợ (nếu có nhiều vợ) mỗi tháng một lần.
Ở Brazil, trong khi phạm nhân nam có thể gặp vợ, bạn gái hoặc thậm chí bạn đồng giới, phạm nhân nữ rất hiếm khi có đặc quyền này. Một số quốc gia vốn coi trọng tự do cá nhân như Mỹ và Úc lại chỉ có 4/50 bang của Mỹ hay 2/7 bang của Úc cho phép thăm gặp ở phòng riêng.
Mặc dù việc thăm gặp riêng tư của phạm nhân được cho phép tại 4 bang (hơn 20 năm trước là 17 bang), pháp luật Mỹ chính thức không công nhận đó là một quyền được hiến định, mà coi là một đặc quyền. Cũng vì vậy, các thảo luận quanh vấn đề này chủ yếu tập trung vào khía cạnh chính sách hình sự thay vì vấn đề nhân quyền.
Trong hai thập kỷ qua, có hai lý do số bang chấp nhận giảm từ 17 xuống 4. Thứ nhất, có những nghiên cứu chỉ ra rằng có một số loại phạm nhân không thể cải tạo được, do đó chính sách thăm gặp nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt hoàn toàn vô ích. Thứ hai, việc thăm gặp riêng tư được cho là không phù hợp với chính sách nghiêm khắc đối với tội phạm, vốn thắng thế trong những thập kỷ vừa qua.
Ở chiều hướng khác, một số nước như Ấn Độ quan niệm sự thăm gặp riêng tư của phạm nhân là một quyền con người cơ bản. Nó thuộc phạm trù quyền sống và tự do cá nhân được hiến định. Tuy nhiên, Ấn Độ thừa nhận nhà nước vẫn có thể giới hạn phạm vi thực hiện quyền này vì lợi ích công nếu có lý do chính đáng.
Có phân biệt đối xử phạm nhân nam – nữ?
Chính sách hình sự của Việt Nam trong vấn đề này là nhân bản, như Thiếu tướng Trần Thế Quân đánh giá việc cho vợ chồng phạm nhân gặp nhau là rất tốt, nhằm cải thiện tâm lý của phạm nhân, tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân và tạo động lực để phạm nhân chấp hành, cải tạo tốt hơn.[3]
Người viết bài này ủng hộ chính sách thăm gặp. Tuy nhiên, xung quanh quy định về việc cam kết không mang thai, xin nêu ra một số vấn đề cần thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Thứ nhất, hiện chưa có giải thích rõ việc thăm gặp riêng tư là nhằm thực hiện một quyền hiến định hay là một chính sách nhân đạo của nhà nước. Xu hướng thế giới coi chính sách này nhằm thực hiện quyền sống và tự do cá nhân. Nếu hiểu như vậy, pháp luật phải đảm bảo và chỉ được giới hạn quyền này nếu có lý do chính đáng.
Thứ hai, nếu suy xét kỹ, việc thăm gặp trong phòng riêng liên quan đến hai quyền cá nhân: quyền quan hệ tình dục và quyền sinh con. Dự thảo thông tư dường như cho phép quyền quan hệ tình dục nhưng không cho phép quyền mang thai và sinh con (khi yêu cầu phải cam kết không mang thai và phải sử dụng biện pháp tránh thai).
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hạn chế quyền thứ nhất hơn là quyền thứ hai. Họ cho rằng phạm nhân vẫn được bảo đảm quyền sinh con nhưng không cho phép gần gũi giữa vợ và chồng. Để thực hiện điều này, họ cho phép tù nhân được thụ tinh nhân tạo để có con. Một số nước chấp nhận cả hai quyền này vì cho rằng đó là hai quyền cơ bản của cá nhân mà việc tù tội không phải là lý do chính đáng để tước bỏ.
Thứ ba, pháp luật hiện nay có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân nam và nữ. Trong khi phạm nhân nam làm vợ có thai và sinh con từ việc thăm gặp được phần nào chấp nhận, phạm nhân nữ lại bị cấm. Mặc dù Thiếu tướng Quân có lý giải: “Nếu phạm nhân nam gặp vợ mà mang thai thì sẽ không quá rắc rối nhưng ngược lại, nếu phạm nhân nữ gặp chồng mà mang thai thì sẽ phát sinh nhiều phức tạp trong quá trình chấp hành án”[4], nhưng liệu đây có phải là sự vi phạm quyền bình đẳng nam nữ không?
[1] Thay thế cho Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011.
[2] Phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai, PL TPHCM, 29/10/2016.
[3] Nguồn đã dẫn
[4] Nguồn đã dẫn.