Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Xơ mướp... không tả tơi

Nguyễn Huy

(TBKTSG) - Nhiều người Việt vẫn thường nói: “Rách tơi xơ mướp” mỗi khi muốn chỉ sự tồi tàn, xơ xác, nghèo nàn. Nhưng bằng bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ, anh Mạc Như Nhân đang kéo xơ mướp ra khỏi hình ảnh “tả tơi” kia. Anh đã sử dụng xơ mướp khô kết hợp với nhiều vật liệu khác chế tác ra nhiều sản phẩm đa dạng.

Không là thứ bỏ đi

Mạc Như Nhân sinh năm 1980, không trải qua trường lớp đào tạo mỹ thuật, nhưng với năng lực tự học, anh đã hành nghề trang trí nội thất. Từ Tây Sơn (Bình Định) anh chuyển vào TPHCM lập nghiệp. Sau nhiều năm thử nghiệm, ba năm trước, anh cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công độc, lạ với sự góp mặt của... xơ mướp.

Anh tâm sự: “Gia đình tôi trước kia có tham gia đoàn nghệ thuật “Hoa Pơ-lang” nên tôi cũng dễ rung cảm trước những cái đẹp trong tự nhiên và thích mày mò sáng tạo. Từ nhỏ, tôi đã làm nhiều sản phẩm bằng tay, có cả những sản phẩm làm bằng xơ mướp để tặng bạn bè hay bán cho những Việt kiều quen biết. Khi vào TPHCM làm trong lĩnh vực trang trí nội thất, tôi nhận thấy xu hướng người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm làm bằng tay (handmade) từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên, tôi quay lại với vật liệu xơ mướp”.

Với thứ vật liệu mà nhiều người cho là thứ bỏ đi này, anh Nhân lại nảy ra rất nhiều ý tưởng. Với dòng sản phẩm thời trang, anh có túi đeo, nón, cả giày dép; dòng sản phẩm chăm sóc da thì anh có bộ sản phẩm massage mặt, cọ lưng...; đồ gia dụng - lưu niệm - trang trí, anh có kẹp móc khóa, miếng rửa chén, miếng chà chân, tranh, hoa khô và cả lọ cắm hoa... Các sản phẩm không được làm hoàn toàn bằng xơ mướp mà có kết hợp với các vật liệu tự nhiên khác như cỏ bàng Tây Ninh, tre nứa, lá dừa... Anh cho biết: “Ngoại trừ một số sản phẩm buộc phải dùng keo như giày dép, túi xách, tôi luôn ưu tiên sử dụng những vật liệu tự nhiên nhất.

Như tranh hay hoa khô đều được tẩm màu tự nhiên, nên lâu ngày, màu bị phai là bình thường. Về độ bền thì tùy theo loại sản phẩm nào và tùy sản phẩm đó được dùng nhiều hay ít. Chẳng hạn những mẫu giày dạ hội của các quý cô, đó không phải là sản phẩm dùng hàng ngày vì chúng không thể so sánh độ bền với những loại giày dép công nghiệp. Chúng thỉnh thoảng mới được sử dụng theo cách nâng niu. Tôi quan tâm việc sản phẩm ứng dụng được trong đời sống nhưng phải đẹp và tốt cho sức khỏe”.

Cần đầu tư mở rộng

Giá bán các sản phẩm từ xơ mướp của anh Nhân có thứ vài chục ngàn đồng, có món tới 600.000 đồng, phụ thuộc vào độ khó của việc chế tác. Anh Nhân tiếp cận thị trường chủ yếu qua mạng xã hội Facebook (fanpage “Xơ Mướp Vi Lâm”). Một số người biết đến và thích thú với sản phẩm đã nhận lời làm đại lý. Anh cũng đã có đại diện bán hàng ở một số thành phố khác, ngoài TPHCM. Ngoài bán sản phẩm có sẵn, anh Nhân còn nhận đơn hàng chế tác theo yêu cầu.

Về nguyên liệu, nếu có kế hoạch thu gom (dặn trước nhiều người) thì việc cần số lượng nhiều không khó. “Xơ mướp là thứ dễ gặp và nhiều người không có nhu cầu dùng, nhưng về lâu dài, nếu khách đặt hàng số lượng lớn, tôi sẽ phải cần đến những sự hỗ trợ nhất định cho việc tổ chức sản xuất”, anh chia sẻ.

Cách nhìn của thị trường đối với sản phẩm làm từ xơ mướp cũng lại tùy mỗi người. Anh Nhân tâm sự: “Nếu họ thích, cho đó là nghệ thuật, là tự nhiên, an toàn cho sức khỏe thì giá vài trăm ngàn một món đồ cũng được coi là rẻ. Còn nếu họ đã không nhìn nó như một sản phẩm chế tác công phu, độc đáo mà quy mọi thứ về thứ vật liệu rẻ tiền thì họ sẽ cho là đắt...”.

Hiện nay, việc thiết kế nội thất và chế tác sản phẩm từ xơ mướp của anh Nhân diễn ra song hành. Điều khiến anh thấy vui là đã có vài bạn trẻ tìm đến anh góp gạo xin phụ việc để học nghề. Có cậu học trò là thợ may máy giỏi nhưng tìm đến anh xin học may tay, thêu tay trên chất liệu đặc biệt này.

Hiện anh Nhân đang tập trung hoàn thành một số dòng sản phẩm, đi từng bước truyền thông và chú trọng thêm vào khâu thiết kế bao bì sản phẩm. Anh đang mong có người cùng đam mê, thấy được tính khả thi trong dự án làm ăn của anh mà góp thêm vốn để có thể mở rộng đầu tư. “Có đầu tư, mọi thứ sẽ đi được nhanh, bài bản và chuyên nghiệp hơn”, anh nói.