Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Vụ nước mắm nhiễm asen: hàng loạt lãnh đạo Báo Thanh Niên bị kỷ luật

Minh Nam

VNTB - Theo tin chúng tôi vừa nhận được nhà báo Võ Khối – Tổng thư ký toà soạn Báo Thanh Niên đã chịu hoàn toàn trách nhiệm cho loạt bài đăng thiếu kiểm chứng liên quan đến việc nước mắm nhiễm Asen. Ông Khối đã bị cách chức sau khi đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Quang Thông – Tổng Biên Tập báo Thanh Niên và ông Đặng Việt Hoa – Phó Tổng Biên tập, nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Dự kiến, chiều nay Bộ TT và TT sẽ ban hành quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo Báo Thanh Niên

Một số sai phạm của Báo Thanh niên trong thời gian qua liên quan đến nước mắm

* Ngày 10-10, báo Thanh Niên dành 2/3 đất trang bìa cho bài viết “Nước + hoá chất = Nước mắm công nghiệp”. Nếu chỉ đọc title, nhiều người lầm tưởng bài báo đánh Masan. Nhưng, nếu đọc nội dung lại hoá ra Thanh Niên khen sản phẩm của tập đoàn này. Đồng thời, đây là bài đánh nước mắm truyền thống ở góc độ kinh tế tiêu dùng.

Các chiêu PR được sử dụng trong bài viết này gồm:

– Chiêu tác động vào tâm lý của người đọc: Bài báo dẫn ra rất nhiều ý kiến hoàn toàn tin tưởng vào nước mắm Nam Ngư từ người nội trợ.

– Chiêu dìm chất lượng nước mắm truyền thống để gián tiếp khen ngợi chất lượng nước mắm công nghiệp. Ví dụ, khi nói về chất lượng Chinsu, báo Thanh Niên dẫn lời một bà nội trợ (không thể xác tin danh tính nhân vật): “Riết rồi quen vị, trong nhà lại không thích dùng nước mắm truyền thống mặn chát nữa”. Hoặc, họ chê nước mắm truyền thống nặng mùi, khó nêm nếm…

– Chiêu so sánh giá: Nước mắm Nam Ngư chỉ 43.000 đồng/lít, trong khi nước mắm Hạnh Phúc giá tới 200.000 đồng/lít.

Bài báo có đề cập đến thành phần “tinh cốt cá cơm” trong nước mắm Nam Ngư không nêu rõ tỉ lệ, tuy nhiên Thanh Niên không chỉ ra tỉ lệ bao nhiêu. Cũng chính Thanh Niên nói đến việc sử dụng 17 loại hoá chất nhưng đã khẳng định đều là hoá chất được phép sử dụng để tạo độ ngon cho nước mắm. Đây giống lời giải thích cho Masan.

Vậy đó có phải bài đánh Masan không? Hãy hỏi trưởng ban Kinh tế báo Thanh Niên.

Sau bài báo này, báo Thanh Niên đăng loạt bài đánh nước mắm truyền thống trên trang nội dung (thời sự). Một nguồn tin của tôi cho biết, báo Thanh Niên bắt tay với Masan từ trước ngày 10-10. Thực tế, diễn biến kịch bản truyền thông bất lương về nước mắm Asen cũng chỉ ra điều đó.

* Ngày 11-10, Báo Thanh Niên đăng bài “Đi tìm nước mắm sạch”, chê công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống là thủ công!?

* Ngày 12-10, báo Thanh niên đăng bài “Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín”. Báo lấy 106 mẫu nước mắm đem kiểm nghiệm và công bố 80 mẫu nhiễm Asen vượt ngưỡng. Họ không nói đó là Asen hữu cơ hay vô cơ. Tất cả vẫn nhằm vào mắm truyền thống.

Các anh chị nào còn đang bênh vực Masan và báo Thanh Niên rằng, thì ngồi im tôi nói cho mà nghe.

Ngày 10-10, bài báo về nước mắm công nghiệp được đăng tải. Không thể vì bài này Masan mới đánh lại nước mắm truyền thống, bởi 106 mẫu kiểm nghiệm thực hiện tại một công ty tư nhân mới thành lập không thể có kết quả để phóng viên viết bài vào ngày 11-10 (vì sáng sớm 12-10 bài đã lên trang).

Họ lấy mẫu ở 13 địa phương và kiểm nghiệm tất cả chỉ trong một ngày, thì đó chỉ có thề là kết quả tưởng tượng! Người nào ngớ ngẩn mới tin vào điều đó. Tôi đã từng đi kiểm nghiệm nước mắm truyền thống theo chỉ đạo của sếp, nhưng mất 10 ngày mới có kết quả. Tôi không viết bài vì kết quả cho thấy độ đạm và độ an toàn được đảm bảo.

Thực tế, việc tìm hiểu rồi thu thập mẫu được Thanh Niên thực hiện từ tháng 8 – 9.2016. Tôi không ngớ ngẩn đến mức tin rằng Masan đã “dự báo” trước, rằng mình bị đánh trên báo Thanh niên, để bắt tay chính tờ báo này, chuẩn bị tung đòn đánh mắm truyền thống trước cả hai tháng trời.

* Ngày 13-10, Thanh Niên đăng tiếp bài “Tiêu chuẩn nào cho nước mắm Việt”, đánh vào nước mắm độ đạm cao – nước mắm truyền thống.

* Ngày 20-10, Báo Thanh Niên quảng cáo cho Masan, nội dung Masan cam kết nước mắm Chinsu, Nam Ngư an toàn về Asen. Họ quảng cáo sau khi cả báo Thanh Niên và Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), công bố nước mắm truyền thống nhiễm Asen, lập lờ đánh lận con đen gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Đến đây, các anh chị muốn biết một trang nội dung trên báo Thanh Niên bán bao nhiêu tiền, hãy hỏi lãnh đạo tờ báo này, chẳng hạn như tổng thư ký toà soạn của họ chẳng hạn.
***


Kinh hoàng: Hàng loạt tờ báo nhiễm thạch tín!

Thanh Niên là tờ báo đầu tiên đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ nước mắm nhiễm thạch tín. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhiều vấn đề khác và xử lý nghiêm minh. Trước hết chúng ta hãy khen báo Thanh Niên hợp tác tốt với cơ quan chức năng, thành khẩn với bạn đọc. Việc tự nhận trách nhiệm và lỗi với cơ quan chức năng sẽ được xem xét trên cơ sở chứng cứ và mức độ sai phạm.

Trái ngược với Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ ngay lập tức tung tin “Báo Thanh Niên cáo lỗi và gỡ 5 bài viết về nước mắm” mục đích hướng dư luận vào “thủ phạm” duy nhất là báo Thanh Niên và chứng tỏ với cộng đồng mình vô can. Vừa ăn cắp vừa la làng, vừa vỗ ngực mình trong sạch vừa thò tay móc túi là cách thức ma mãnh tờ Tuổi Trẻ.

Nên nhớ, cơ quan chức năng không chạy theo dư luận mà chỉ dựa vào chứng cứ. Tờ Tuổi Trẻ tưởng đã kịp “chùi mép” bằng cách gỡ bỏ bài viết “67% mẫu nước mắm chưa thạch tín vượt mức cho phép” đăng vào lúc 17:39 ngày 17/10/2016 trên báo điện tử và trên báo giấy sau đó.

Khác với các tờ báo khác, chỉ đưa tin nhưng không có quan điểm rõ ràng về công bố của Vinastas, tờ Tuổi Trẻ khẳng định luôn: “51% mẫu không đạt về hàm lượng đạm, 67% mẫu không đạt về chỉ tiêu asen (thạch tín) theo quy định của Bộ Y tế…”.

Thêm một bước nữa Tuổi Trẻ mượn lời ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y Tế “bảo lãnh” cho nước mắm công nghiêp: “Qua kiểm tra ban đầu, ông Phong cho rằng không có sản phẩm nào là nước + hoá chất như thông tin trên truyền thông gần đây. Phải phân biệt phụ gia và hoá chất, nếu sử dụng đúng hàm lượng phụ gia thì cả đời cũng không bị ảnh hưởng”.

Xét về mức độ ảnh hưởng thì thông tin nói trên của tờ Tuổi Trẻ có độ ảnh hưởng lớn nhất, mức độ vi phạm nghiêm trọng nhất. Bởi lẽ thay vì đưa tin theo công bố của Vinastas, Tuổi Trẻ chủ động, cố ý phỏng vấn thêm lãnh đạo Bộ Y tế để khẳng định độ tin cậy. Một câu hỏi hay bị cộng động dè bỉu xin được nhắc lại nghiêm túc: Động cơ Tuổi Trẻ là gì?

Ngược lại khoảng thời gian trước một chút, Tuổi Trẻ làm tới nơi tới chốn vụ con ruồi Tân Hiệp Phát sau đó quảng cáo cho nước giải khát C2 của URC bị các báo cho là nhiễm chì. Kịch bản thành thạo của Tuổi Trẻ không khác gì Thanh Niên sau khi đánh đã đăng quảng cáo nước mắm của Masan. Lòng vả giống như lòng sung sao lại chê nhau hả tờ Tuổi Trẻ?

Trở lại vụ nước mắm nhiễm thạch tín, cơ quan chức năng hôm nay đang triệu tập hàng loạt lãnh đạo các báo để giải trình. Ngoài Thanh Niên tự động đầu thú, Tuổi Trẻ ma giáo vu luôn cho Thanh Niên còn Người Tiêu Dùng vẫn lớn tiếng doạ nạt: “Chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ hành vi vu khống báo Người Tiêu Dùng”.

Người Tiêu Dùng là ai mà kinh khủng vậy? Xin nêu rõ: Đó là con đẻ của ông Vinastas gieo rắc kinh hoàng cho người dân và làm cho những người sản xuất nước mắm hoảng loạn trước nguy cơ bị tẩy chay và đình đốn. Chỉ là cơ quan ngôn luận của Vinastas nhưng ông trời con Người Tiêu Dùng gieo rắc kinh hoàng cho lĩnh vực ngân hàng, y tế, bất động sản… hơn cả vụ nước mắm.

Đi đêm có ngày gặp ma. Chưa bao giờ nền báo chí Việt Nam thối nát như thời gian qua. Nước mắm thạch tín chỉ là giọt nước tràn ly, không còn ai chịu nổi báo chí nên phải bùng nổ. Chúng tôi cũng khen ngợi một số ít các tờ báo điện tử nhanh chóng ngửi thấy âm mưu của Vinastas lên tiếng kịp thời như tờ Tri Thức Trẻ, Dân Trí…

Nếu không, chắc chắn rất nhiều tờ báo nhiễm thạch tín vô cơ và toàn dân chết giấc với mưu hèn kế bẩn của truyền thông đại chúng! Bộ công an, Bộ TT&TT sẽ làm rõ, đúng người đúng tội, xử lý nghiêm minh trong vài ngày tới!