Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Có nặng tay với nhà giáo?

HOÀI THUẬN

TTO - Ngày xưa, nghề dạy học được vinh danh là “nghề cao quý”. Nhưng giờ, điều này chỉ còn trong sách báo, trong các bài phát biểu... 

Thực tế hiện nay, nghề giáo bị xếp vào nhóm nghề chịu nhiều áp lực và ẩn chứa không ít nguy hiểm.

Do sự tác động của nhiều yếu tố xã hội, đạo đức của một bộ phận học sinh ngày nay càng xuống cấp, và phụ huynh không còn tôn trọng thầy cô như trước. Điều này khiến cho nghề giáo trở thành một nghề nguy hiểm.

Trước đây không ai dám nghĩ rằng thầy cô có thể bị học trò đánh, ấy vậy mà giờ đây điều đó không còn là một nguy cơ, khi có nhiều giáo viên bị học trò đánh, xúc phạm...

Và những thông tin về việc giáo viên bị đánh, bị kỷ luật xuất hiện trên báo chí với một tần suất khiến người đọc cảm thấy bất an.

Những ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao bàn tán về vụ “học sinh bị xước má, phụ huynh đến trường tát cô giáo ngã dúi dụi” xảy ra tại Đà Nẵng.

Điều đáng nói, vị phụ huynh này là một giáo viên dạy THPT. Hành vi của vị phụ huynh này hoàn toàn sai trái, không thể chấp nhận được.

Phụ huynh vì thương con, bênh con mà hành động thiếu kiềm chế, vậy nếu những phụ huynh khác cũng thương con kiểu như vậy thì giáo viên sẽ lãnh đủ, khi trong quá trình giảng dạy không may xảy ra chuyện! Nói thế để thấy nghề giáo bây giờ trở nên... nguy hiểm như thế nào.

Trước đó, cuối tháng 11-2015, một thầy giáo (ở Bình Phước) bị hai học sinh đánh đến bất tỉnh, phải nhập viện điều trị. Xa hơn một chút, năm 2014, ở Gia Lai, một thầy giáo bị học trò nhờ côn đồ đánh tơi tả vì thầy ghi tên học trò này vào sổ đầu bài!

Không chỉ bị học trò xâm phạm thân thể, giáo viên còn bị học trò xúc phạm uy tín, danh dự không chỉ trước mắt học trò mà còn trước bàn dân thiên hạ. Đó là khi học trò lên mạng xã hội nói xấu, xúc phạm giáo viên.

Còn nhớ hồi tháng 10-2015, một học trò lớp 12 ở Hà Nội bị buộc thôi học 10 ngày vì lên Facebook nói xấu giáo viên chủ nhiệm.

Cũng năm 2015, tại Sóc Trăng, một học trò cũ lên Facebook vu khống thầy giáo hiếp dâm nhiều nữ sinh khiến công an phải vào cuộc, trả lại công bằng cho người thầy bị oan.

Điều đáng buồn là ngay cả khi giáo viên đang ở nhà soạn bài, mà học trò lớp mình chủ nhiệm đánh nhau thì lỗi vẫn thuộc về giáo viên.

Như chuyện ở Trà Vinh là một ví dụ: học trò đánh nhau ngoài trường, giáo viên chủ nhiệm bị kỷ luật! Hay như ở Thái Nguyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 phát hiện trong điện thoại của đứa cháu có clip học trò mình bị đánh hội đồng, cô báo sự việc lên ban giám hiệu.

Sau đó, clip đánh hội đồng bị phát tán trên mạng xã hội, giáo viên này trở thành “vật tế thần” khi bị nhà trường đề nghị kỷ luật đuổi việc! Cô giáo này bị sốc đến nỗi phải nhập viện điều trị cả tháng trời.

Chưa hết, giáo viên cũng là con người, họ có quyền nói lên chính kiến của mình. Vậy mà khi họ thực hiện cái quyền đó thì bị kỷ luật.

Như trường hợp cô giáo Lê Thị Thùy Trang bày tỏ việc không thích gương mặt của một lãnh đạo tỉnh thì bị phạt 5 triệu đồng; hay như ở Long An, cô Dương Hải Âu kêu cứu trên Facebook cho một cây cầu bị sập thì bị hạ bậc xếp loại thi đua.

Dù sau đó hai cô giáo này được xóa án phạt nhờ sự lên tiếng của báo chí, dư luận, nhưng những tổn thương tinh thần của hai cô không dễ gì xóa được!
***

Thời đại công nghệ thật nguy hiểm, khi người thầy chỉ cần mắc sai sót là bị học trò, phụ huynh phơi bày lên mạng xã hội, làm cho giáo viên bị tổn thương ghê gớm.

Có cảm giác như ngày nay phụ huynh không thích hợp tác với giáo viên để cùng phối hợp giáo dục con em, mà chỉ chăm chăm bắt lỗi sai của giáo viên.

Khi giáo viên có sai sót, cách xử lý hợp tình hợp lý nhất là phụ huynh trao đổi với giáo viên, để rút kinh nghiệm. Nhưng không, bắt được lỗi sai của giáo viên là phụ huynh đến gặp hiệu trưởng làm rùm beng lên, rồi tung lên Facebook cho thiên hạ “ném đá”.

Càng buồn hơn khi trong nhiều trường hợp, trước sức ép của dư luận... phần lớn lãnh đạo ngành giáo dục không đủ bản lĩnh bảo vệ thuộc cấp của mình, mà luôn lạnh lùng xử lý kỷ luật nhằm xoa dịu dư luận, khiến giáo viên càng bị tổn thương.