Người Đô Thị - Sự việc một hành khách ngồi ghế hạng thương gia do không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus nên tát nữ tiếp viên, bị phạt 15 triệu đồng và cấm bay 6 tháng là lời nhắc nhở cần thiết cho các hành khách khi đi lại bằng phương tiện giao thông hiện đại này.
Cấm bay vì một cái tát
Theo Quyết định 1505/QĐ-CHK ngày 18.8.2016 của Cục Hàng không Việt Nam, hành khách Mai Thanh Bình (TP.HCM) bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không dân dụng trong 6 tháng tính từ ngày 22.8.2016 đến 22.2.2017, do vi phạm trật tự kỷ luật trên tàu bay (hành hung thành viên tổ bay trên tàu bay). Quyết định xử phạt nêu rõ: các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế không được vận chuyển ông Bình trong thời hạn nói trên. Đây là quyết định xử phạt bổ sung bởi trước đó, ngày 13.8 Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có quyết định xử phạt chính số 51/QĐ-XPVPHC phạt ông Bình 15 triệu đồng vì hành hung thành viên tổ bay trên tàu bay. Cụ thể sự việc: lúc 20 giờ 30 ngày 13.8, tàu bay thực hiện chuyến bay VN255/HAN-SGN hạ cánh xuống cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Bình liên hệ với tiếp viên C.T.Th. (người gấp bàn ăn tại ghế ngồi số 2H của ông Bình) để hỏi tìm điện thoại bị mất. Sau khi tiếp viên này trả lời không thấy điện thoại, ông Bình đã dùng tay tát vào má trái của tiếp viên. Khoảng 20 phút sau, khi các hành khách đã xuống khỏi máy bay, một tiếp viên khác tìm thấy chiếc điện thoại của ông Bình dưới chân ghế ngồi của ông.
Dư luận về sự việc này có nhiều chiều. Đa phần ủng hộ xử phạt nghiêm sai phạm của ông Bình. Nhiều góc độ từ văn hóa cá nhân cho đến thái độ ứng xử ngoài xã hội của ông Bình đã được luận bàn, chê trách. Trong đó, có những ý kiến cho rằng chế tài như vậy là còn nhẹ, đề nghị cấm bay vĩnh viễn. Với tiếp viên Th., bên cạnh số đông ý kiến động viên, chia sẻ tai nạn nghề nghiệp của cô, cũng có những tư vấn cô nên khởi kiện ông Bình về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Cá biệt có ý kiến đặt nghi vấn việc mất trộm iPhone 6 Plus của ông Bình trên máy bay. Phát biểu trên báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Bình cho biết ông chấp nhận đóng phạt nhưng không “tâm phục khẩu phục”: “Tôi tát là có lý do. Vì tôi nghĩ tiếp viên lấy điện thoại của tôi nên không kiềm chế được”.
Ông Bình có quyền nghi ngờ, cũng như dư luận có quyền suy đoán số phận của chiếc điện thoại. Mọi lý lẽ đều có cơ sở hiện diện trong cuộc sống, nhưng không phải lý lẽ nào cũng đương nhiên thành căn cứ để áp dụng pháp luật. Chỉ những lý lẽ được xác minh và kết luận bởi cơ quan có thẩm quyền mới trở thành căn cứ phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý cho người liên quan. Những suy đoán khác nằm ngoài điều này nếu gây thương tổn cho người trong cuộc đều có nguy cơ đối diện pháp luật.
Nhiều hành vi bị cấm đi máy bay
Những ồn ào về cái tát của ông Bình với tiếp viên Th. rồi sẽ nhanh chóng chìm lắng giữa muôn trùng tin tức hằng ngày. Điều đáng ngại là có không ít người đang nghĩ đơn giản, chỉ cần tránh thói hành xử như ông Bình là họ sẽ tránh được chế tài cấm bay. Hiểu như thế đúng nhưng chưa đủ, bởi những hành vi có thể dẫn đến cấm bay không chỉ có “hành hung thành viên tổ bay trên tàu bay” và cũng không phải vi phạm nào cũng đồng nghĩa bị cấm bay cùng một thời hạn.
Theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 92/2015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 về an ninh hàng không, những trường hợp dưới đây bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không:
Cấm vận chuyển có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng: hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay; cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.
Cấm vận chuyển có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng: đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi quy định tại “Cấm vận chuyển có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng”; người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng: xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; đưa vật phẩm nguy hiểm (vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, an toàn chuyến bay...) vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật; cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay.
Cấm vận chuyển vĩnh viễn: đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những trường hợp “Cấm vận chuyển có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng”; người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng: chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay; chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất; sử dụng tàu bay như một vũ khí; bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay; chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Căn cứ tính chất mức độ vi phạm, Cục Hàng không Việt Nam sẽ quyết định cấm vận chuyển có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với các hành khách vi phạm các quy định trên. Quyết định cấm vận chuyển được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài. Ngoài ra, Điều 17 còn quy định hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển các hành khách vì lý do an ninh: hành khách mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình; bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã khi vận chuyển không có người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp giải; không đúng số lượng hành khách tiềm ẩn uy hiếp an ninh hàng không được phép vận chuyển trên cùng một chuyến bay; trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh nhưng không tự nguyện về nước không do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam; theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài.
Trở lại sự việc của ông Bình, nếu không “tâm phục khẩu phục” thì ông có quyền khiếu nại quyết định xử phạt và đề nghị điều tra làm rõ có hay không hành vi trộm điện thoại, nhưng điều đó không bao biện được cho cái tát của ông với tiếp viên và làm vô hiệu hóa các quy định pháp luật liên quan đến cái tát đó. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ. Do đó, nếu cho rằng cái tát và lời nói của ông Bình đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, tiếp viên Th. có quyền khởi kiện để yêu cầu ông Bình bồi thường và xin lỗi công khai theo quy định tại Điều 37 và Điều 604 bộ luật Dân sự.