(TBKTSG) - Cho dù số doanh nghiệp tư nhân đăng ký đang tăng nhanh, nhưng tương lai của họ vẫn đang bất định bởi những vấn đề nền tảng vẫn còn đó.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung vẫn còn nhớ rõ một kỷ niệm khi xây dựng Luật Doanh nghiệp 2014. Khi đó, với sự ủng hộ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Cung đã đưa doanh nghiệp xã hội vào dự thảo luật. Đó là lần đầu tiên loại hình doanh nghiệp xã hội được thừa nhận trong một văn bản pháp lý của Việt Nam. Còn trước đó, họ gần như bị đặt ra rìa, bị nghi kỵ, bị kiểm soát.
Song, điều này không gặp suôn sẻ. Trong quá trình phản biện dự thảo, đã xuất hiện nhiều phản đối gay gắt việc đưa loại hình doanh nghiệp này vào luật. Có lần, một quan chức cao cấp nói với ông Cung: “Ồ, doanh nghiệp xã hội à, nó là cái gì thế? Tôi chưa biết, thôi các anh dừng lại đã!”. “Chỉ đạo” đó là một gáo nước lạnh. Song, ông Cung không đồng tình: “Việc mang hiểu biết có giới hạn của mình để giới hạn sự phát triển của xã hội là không thể chấp nhận được!”.
Cho dù Luật Doanh nghiệp có quy định về doanh nghiệp xã hội đã được Quốc hội thông qua, nhưng số lượng các doanh nghiệp xã hội được cấp phép đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay trong suốt hơn một năm qua. Điều đó, cũng như suy nghĩ của vị quan chức nọ trong lần đối đáp với ông Cung, cho thấy tư duy và hành động của các nhà hoạch định chính sách với các doanh nghiệp xã hội còn đầy rào cản.
Trên thực tế, việc cản trở các doanh nghiệp xã hội như trường hợp trên đây chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong muôn trùng rào cản đang đặt ra với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Có vô vàn câu chuyện cho nhận định này, mà điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm là một ví dụ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt ra hàng loạt điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm như phải có đủ thiết bị ép vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (mút xốp), thiết bị dập đinh tán và các công cụ khác; phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu, hoặc có giao kèo tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế. Các đại lý, cửa hàng này còn phải có địa chỉ rõ ràng, có biển hiệu treo ở vị trí dễ quan sát. Các doanh nghiệp phải có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư...
Trong nỗ lực phản đối các quy định này theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gặp lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi nghe ông Dũng trình bày những bất cập của các quy định trên, vị lãnh đạo nói: “Chúng tôi thừa nhận tất cả những điều Bộ trưởng nói là đúng, tuy nhiên, cho chúng tôi giữ nguyên các quy định đó”.
Những câu chuyện như trên là bất tận và muôn hình vạn trạng, thể hiện qua số lượng lên tới 7.000 điều kiện kinh doanh mà Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp thống kê được. Bằng mọi cách, các bộ, ngành và địa phương đã cài cắm vô số điều kiện kinh doanh, từ văn bản đến hành động, để duy trì quyền lợi và lợi ích của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài trình bày của ông Dũng về dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước.
Khi bị phê bình là trình dự luật chậm, ông giải thích: “Việc chuẩn bị chậm là có, nhưng là do cách làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các ngành liên quan, nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu để soi xem có ảnh hưởng đến bộ mình hay không chứ không mang tính xây dựng. Chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho kinh tế, là chủ trương lớn của đất nước mà không ai nói đến... Chậm là do nhận thức của các bộ ngành thiếu và yếu”.
Báo cáo với Thường vụ Quốc hội, ông Dũng khẳng định, tổng số doanh nghiệp đăng ký là 959.000. Năm 2015 có 90.000 doanh nghiệp tham gia thị trường, trong tám tháng đầu năm nay có 101.000 doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết có khoảng 480.000 doanh nghiệp còn hoạt động đến ngày nay.
Những số liệu này lập tức thu hút sự quan tâm của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ông nói: “Tôi xin báo cáo với đồng chí (Nguyễn Chí Dũng), cách đây năm năm, năm 2010, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 544.394, mà đến nay còn 480.000 tức tụt đi... Như vậy, sau gần 30 năm đổi mới mà chỉ có 480.000 doanh nghiệp hoạt động, vậy mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 là quá lạc quan”.
Với chuyên gia thống kê Bùi Trinh, tình hình phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân là đáng báo động. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, khu vực kinh tế này không sao lớn được khi chỉ đóng góp vỏn vẹn 10-11% GDP mỗi năm, còn nhỏ hơn nhiều so với mức đóng góp của kinh tế hộ gia đình lên đến 33% GDP. Vẫn có tới 98% là nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước dù chỉ chiếm 0,2% về số lượng, nhưng vẫn đóng góp 33% GDP.
Rõ ràng, có điều gì đó không ổn về mặt căn nguyên. Trong một hội thảo về khu vực kinh tế tư nhân tuần trước ở Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành một lần nữa lại nêu lên những nguyên nhân cốt lõi của thực trạng này.
Theo chuyên gia Nguyễn Kế Tuấn, phải đến năm 2001 thì khu vực kinh tế tư nhân mới được công nhận là động lực của kinh tế đất nước, và 15 năm sau mới được thêm hai chữ “quan trọng” trong Hiến pháp. “Việc đổi mới tư duy không kịp, duy ý chí kéo dài cho đến ngày hôm nay...”, ông nói. Ông cho rằng, cản trở khu vực tư nhân phát triển chính là từ Nhà nước. Ông cắt nghĩa: “Nguyên nhân chính từ Nhà nước chậm đổi mới nền kinh tế thị trường. Nhà nước đóng vai trò kép, là nhạc trưởng cho sự phát triển nền kinh tế, nhưng mặt khác thì Nhà nước chính là chủ sở hữu nền kinh tế nhà nước. Nhà nước không thể nào tự lấy đá ghè chân mình”.
Bà Phạm Chi Lan bổ sung thêm: “Vấn đề chính là do tư duy chưa thay đổi. Nhà nước cho phép khu vực kinh tế tư nhân phát triển, nhưng vẫn dựa vào khu vực kinh tế nhà nước, vẫn coi đó là chủ đạo và phân bổ 50% nguồn lực quốc gia cho số doanh nghiệp nhà nước. Nguồn lực quan trọng nhất như đất đai, đầu tư công... vẫn bị nhà nước kiểm soát để cho doanh nghiệp nhà nước làm. Nhà nước đang lạm quyền, độc quyền thị trường, không phân vai rõ ràng xem nhà nước làm gì, thị trường làm gì”.
Chuyên gia Trần Đình Thiên nói: “Thể chế nào doanh nghiệp ấy. Chúng ta mất 30 năm rồi mà thể chế kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện... Vậy doanh nghiệp tư nhân phát triển trên nền tảng nào”? Ông Thiên nhận xét, tệ phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn quá nặng nề, mà thể hiện rõ nhất là Nhà nước đang cứu hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước đang đắp chiếu.
Chuyên gia Võ Đại Lược có cái nhìn thực tế hơn. “Với cơ chế tham nhũng, xin cho hiện nay không có lối thoát cho khu vực kinh tế tư nhân”. Chuyên gia Lê Đăng Doanh bổ sung: “Quyền lực đang được thương mại hóa. Bộ máy, cán bộ hiện nay yếu kém, vòi vĩnh đến mức ngang ngược, thì doanh nghiêp tư nhân nào chịu nổi”.
Với ông Nguyễn Đình Cung, những lời lý giải trên chẳng xa lạ gì. Doanh nghiệp xã hội vẫn chỉ mới chớm. Doanh nghiệp tư nhân vẫn đang èo uột. Doanh nghiệp nhà nước không sao cải cách được. Doanh nghiệp FDI thì đang ngày càng lấn át.