Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

“Like là làm”: Bố mẹ còn nghiện face bảo sao trẻ không sống ảo

Nguyễn Bích Lan

VNN - “Nếu coi chơi Facebook giao thiệp với người khác qua mạng xã hội là sống ảo thì nước ta là nước có tỉ lệ người sống ảo rất cao trên thế giới”.

Nhà văn/dịch giả Nguyễn Bích Lan, tác giả cuốn "Không gục ngã' chia sẻ bài viết về trách nhiệm của người lớn trong việc con trẻ trống rỗng, bơ vơ và "sống ảo"

Nếu coi việc chơi Facebook giao thiệp với người khác qua mạng xã hội là sống ảo thì nước ta là nước có tỉ lệ người sống ảo rất cao trên thế giới. Theo ước tính hiện nay có 30 triệu người Việt Nam dùng Facebook mỗi ngày, trong đó phần lớn là người ở tuổi trưởng thành.

Người dùng FB để học tập, giao thiệp với người khác, làm nhiều việc có ích, nhưng cũng để khoe sắc đẹp, khoe quần áo đẹp, khoe cá tính, khoe con cái, tóm lại để thể hiện bản thân. Tôi tin hiếm người sử dụng Facebook nào không cảm thấy vui khi thấy ai đó “ like” những gì hiển thị trên trang cá nhân của mình bởi vì hoạt động bấm like tức là đồng tình, ủng hộ, khích lệ, quan tâm. Vậy thì tại sao chúng ta lại trách con trẻ sống ảo?

Xưa nay người Việt ta có câu “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Ở thời nào cũng vậy tâm lý tuổi học trò dễ bị kích động, dễ bị cuốn vào những hành động nghịch ngợm, dại dột.

Ở thời của tôi, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có những cậu học trò mang theo bao diêm đi học, vừa đi vừa đốt những đống rơm trên đường đi, hoặc phá cả một ruộng rau trong sự thách đố của vài đứa bạn đi cùng. Những hành động đó chủ yếu là trò nghịch ngợm để lấy vui hơn là ác ý và thường sẽ không xảy ra nếu có sự can ngăn kịp thời của người lớn.

Vẫn với tâm lý ấy, vẫn là sự nghịch ngợm đó của tuổi học trò, nhưng với mạng xã hội ngày nay đám đông cổ vũ lớn hơn gấp nhiều lần, trong khi đó sự buông lỏng, thiếu quan tâm của người lớn cũng lớn hơn do cuộc sống bận rộn và do thành kiến nặng nề đối với giới trẻ, bởi thế tâm lý thích nổi loạn và sự kích động của đám đông dễ gặp nhau để tạo ra hành động nguy hại hơn.

Xung quanh việc nữ sinh ở Khánh Hòa  đốt trường chỉ vì câu đủ “like” trên Facebook, tôi hầu như chỉ thấy sự rủa xả, chỉ trích, kết tội dành cho kẻ gây chuyện, mà hầu như không thấy có bất kỳ sự nhận trách nhiệm nào từ phía người lớn. Tôi không bao giờ đồng tình với những hành động dại dột thiếu trách nhiệm, gây hại cho bản thân và cho người khác của bất cứ cá nhân nào trong cộng đồng. Nhưng người lớn chúng ta, những người chịu trách nhiệm giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội liệu có cần phải tự kiểm điểm trước thực trạng này hay không? Câu trả lời là CÓ.

Chẳng có sự giáo dục nào tác động nhiều đến con trẻ bằng hành động của người lớn. Nếu trong một gia đình cả bố mẹ đều “nghiện” Facebook thì thật khó ngăn cấm những đứa con ở tuổi mới lớn của mình sử dụng mạng xã hội. Sự ngăn cấm trong hoàn cảnh đó không những không có tác dụng mà còn kích thích sự tò mò dẫn đến việc sử dụng lén lút, thiếu kiểm soát.

Thay vì ngăn cấm, thay vì chỉ trích con trẻ sống ảo có lẽ nhà trường, gia đình nên trang bị cho con trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân trên mạng xã hội thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các buổi trò chuyện cởi mở và thẳng thắn giữa các thầy cô, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà xã hội học, các bậc phụ huynh và con trẻ.

Những thành viên chưa đến tuổi trưởng thành của chúng ta cần phải được hướng dẫn để chơi FB một cách an toàn, lành mạnh, có chừng mực, có văn hóa. Con trẻ cần được giáo dục để nhận biết các dấu hiệu, các hành vi có nguy cơ gây hại trên mạng xã hội để phòng ngừa, tránh xa.

Những buổi sinh hoạt ngoại khóa với những Facebooker nổi tiếng biết sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để làm từ thiện, phổ biến kiến thức, đóng góp các giá trị cho người khác có thể giúp những người ít tuổi hơn, ít trải nghiệm hơn trong cộng đồng mạng có ý thức kiềm chế và hạn chế tham gia vào những vụ câu like, “dội” like tùy tiện, ích kỷ, vô tâm, dại dột, thiếu văn hóa, thậm chí nguy hiểm.   

Khi chỉ trích và trừng phạt con trẻ chúng ta cũng đừng quên tự vấn bản thân mình.

Chúng ta, những công dân  trưởng thành, liệu đã làm hết sức mình để tạo cho những thành viên vị thành niên của chúng ta một môi trường xã hội đủ an toàn và lành mạnh hay chưa ? Sự trống rỗng trong tâm hồn, sự bơ vơ trong định hướng, sự chán nản, thậm chí bệnh trầm cảm và tâm lý chán sống, những nguyên nhân khiến cho một trận mưa nghìn like chỉ là sự châm ngòi để hành động nổi loạn tai hại bùng lên?

Liệu các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo có đủ vốn hiểu và sự tỉnh táo để biết khi nào con mình thực sự cần một bác sĩ tâm lý, hay lúc nào chúng ta cũng xử sự như những kẻ bề trên có quyền lực áp đặt và điều khiển đối với người phụ thuộc?  

Nhà trường, gia đình và xã hội đều cùng phải có trách nhiệm giúp các em tìm thấy được con đường cần phải đi và nên đi để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Đó là trọng trách của các công dân trưởng thành trong xã hội, được thực hiện bằng sự quan tâm, tình yêu thương, và sự gương mẫu trước hết từ người lớn chúng ta.