VOA - Nhiều ý kiến 'lề trái' cho rằng TQ đang tìm cách tác động tới đại hội 12, buộc quan chức trong nước phải lên tiếng bác bỏ, khẳng định Đảng 'đủ bản lĩnh giữ vững độc lập'
Một tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ khi nào bùng ra cuộc đụng độ lớn giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì Việt Nam mới buộc phải mưu tìm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn nữa với Hoa Kỳ.
Hoàn cầu Thời báo sau đó đi tới kết luận rằng “vì thế, mối quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai phụ thuộc vào diễn biến ở biển Đông”.
Trong bài bình luận dài hơn 600 chữ, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói thêm rằng Mỹ đã sử dụng “lá bài biển Đông”, và trong chiến lược hướng về châu Á – Thái Bình Dương, Washington cần Việt Nam nên đã phớt lờ chuyện Việt Nam là một quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
Hoa Kỳ năm ngoái đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và năm qua, đôi bên đã thực hiện nhiều chuyến thăm song phương cấp cao, trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở biển Đông.
Dù Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Mỹ, nhận định về các trở ngại còn tồn tại trong quan hệ quân sự giữa hai nước.
Ông Hùng nói: “Việt Nam vẫn còn nghi ngờ Mỹ. Một số người vẫn sợ cái gọi là diễn biến hòa bình. Họ cho là Mỹ có thể sử dụng vấn đề nhân quyền để làm xói mòn chế độ của họ. Dạo này bớt đi nhưng vẫn còn một số người tin như vậy. Đó là một trở ngại chính".
Cũng có nhận định giống như ông Hùng, Hoàn cầu Thời báo còn cho rằng “một mặt, Việt Nam muốn cải thiện quan hệ với Nhà Trắng để nâng cao vị thế trên thế giới cũng như có hình ảnh đẹp hơn trong khu vực”, nhưng “mặt khác lại lo ngại về khả năng xảy ra một diễn biến hòa bình được Hoa Kỳ hậu thuẫn”.
"Diễn biến hòa bình"
Tờ báo nói thêm rằng “miền nam Việt Nam trước đây từng có mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ, và nhiều người Mỹ gốc Việt ngày nay vẫn muốn Washington sớm gây diễn biến hòa bình ở Hà Nội”.
Bài bình luận của Hoàn cầu Thời báo được đăng tải hôm 5/1, hơn 10 ngày trước khi Đại hội Đảng lần thứ 12 ở Việt Nam diễn ra. Các nhà quan sát cho rằng phe thân Mỹ và thân Trung Quốc đang “đấu đá lẫn nhau” trước kỳ đại hội này.
Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng bình luận về quan hệ Việt – Mỹ.
Hồi tháng bảy năm ngoái, khi bình luận về chuyến công du mang tính lịch sử của Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, Hoàn cầu Thời báo viết rằng Hà Nội “đang chịu sức ép chính trị ngày càng tăng từ Mỹ mà về lâu dài sẽ là một thách thức đối với sự ổn định của Việt Nam”.
Tờ báo nói thêm: “Mối quan hệ thân cận hơn giữa Việt Nam và Mỹ một phần là nhằm đối phó với Trung Quốc, và kéo theo biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây áp lực lên cả ba phía, và khi đó, Việt Nam có thể trở thành kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất”.
Hoàn cầu Thời báo viết thêm: “Cho tới nay, chưa có nước nào hưởng lợi từ việc lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp với Trung Quốc, và việc này chắc chắn sẽ thất bại”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông và quan hệ Mỹ - Trung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba, 5/1, nói rằng Mỹ “nên nói những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực” liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Trong một buổi họp báo thường kỳ, khi được phóng viên hỏi rằng phía Trung Quốc phản hồi ra sao về tuyên bố của “các chính trị gia Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, chỉ trích chính quyền Obama đã không tiến hành thêm các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” gần các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời: “Tình hình hiện nay ở Biển Đông vẫn hòa bình và ổn định. Tự do hàng hải và tự do bay ngang theo luật pháp quốc tế không hề bị ảnh hưởng. Tôi muốn hỏi những người Mỹ nghi ngờ về điều đó, họ có bất kỳ ví dụ cụ thể về việc khi nào và ở đâu sự tự do của tàu thuyền bị đe dọa hay không”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm: “Mỹ nên nói những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực một cách có trách nhiệm, khách quan và công bằng, chứ không nhận xét đánh lừa công chúng và phá vỡ hòa bình, ổn định khu vực”.
Trong khi đó, dù vấp phải sự phản đối của nhiều nước, gồm cả Việt Nam, sau khi thực hiện chuyến bay dân sự thử nghiệm tới một hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc tiếp tục thực hiện hai chuyến bay khác ra đó vào ngày 6 tháng 1.