(Dân trí) - Có lẽ, một trong những điều trăn trở, lo lắng nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Ngay tại Diễn văn bế mạc Đại hội XII, sau việc long trọng báo cáo với đồng chí và đồng bào thành công của Đại hội, Tổng Bí thư khẳng định một quyết tâm không lay chuyển. Đó là “tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.
Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 14/10 hôm qua, một lần nữa Tổng Bí thư lại tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nội bộ.
Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bi thư chỉ rõ: “Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận…”.
Không thể nói khác, sự suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng cầm quyền.
Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân khách quan có nhưng “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu” như lời của Tổng Bí thư.
Đó là biểu hiện của “lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”.
Đây là những điều vô cùng nguy hiểm nhưng tiếc thay, nó lại hiện diện hàng ngày, hàng giờ trong đời sống xã hội ở tất cả các “tầng bậc” và mọi lúc, mọi nơi.
Cách đây 5 tháng (27/5), tại Hội nghị Dân vận toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.
Không dừng ở đó, Tổng Bí thư đồng thời cảnh báo bằng lời của Nguyễn Trãi “thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”.
Đây cũng là thông điệp từ cha ông gửi lại và cũng xin được nói thẳng là không có một thế lực nào có thể lật đổ một thể chế nếu như thể chế đó được xây dựng vững chãi trên nền tảng nhân dân và ngược lại, nó sẽ đổ vỡ một khi chính nó tự tha hóa, phải không các bạn?