Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Nước ta sống văn hóa bậc nhất thế giới

Nguyễn Đoàn

Dân Trí - Đúng, đúng, nước ta sống văn hóa vào loại bậc nhất thế giới, họ chẳng đến học ta thi thôi, ta việc quái gì phải đi học nước nào nhỉ!

“Tôi thấy nước họ rất vô văn hóa”. Đó là câu phát biểu của một vị quan chức là trưởng đoàn của một đoàn đi học tập kinh nghiệm của nước ngoài.

Có câu phát biểu đó là do có quy định, tất cả các đoàn đi công tác và học tập nước ngoài, khi trở về nước đều phải báo cáo thu hoạch để ở nhà nghiên cứu, học tập vận dụng. Và câu phát biểu này nằm trong nội dung báo cáo thu hoạch của đoàn đó, được các thành viên trong cả đoàn nhất trí cao.

Nhưng câu phát biểu này gây sốc. Bởi vì ai cũng biết  hiện nay ở nước ta các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, xuống cấp về đạo đức gia đình, xã hội và các giá trị văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ mai một…trong khi đó dân nước mà đoàn đến học tập kinh nghiệm về xây dựng văn hóa trong cộng đồng xã hội, vốn nổi tiếng là thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa nơi công cộng, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, nhà ở ngăn nắp, khuôn viên xanh - sạch - đẹp, các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, đoàn kết tương trợ xóm giềng, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:  v.v... Cách đây 4 năm, trận động đất và sóng thần đổ bộ vào trong nước họ, tàn phá gần như sạch trơn nhiều khu vực chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, đã cướp đi mạng sống của gần 20.000 người, Khi bị sóng thần tàn phá, giao thông khó khăn, mất điện, không có nước sinh hoạt nhưng dân chúng vẫn trật tự, kiên nhẫn xếp hàng nhận nước, lên xe buýt hoặc chờ gọi điện thoại công cộng. Dù xếp hàng có lâu và dài đến mấy, cũng không ai chen lấn hay xô đẩy, giành giật nhau, tất cả đều im lặng và nhẫn nại. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng chờ nhận thức ăn, có một bé trai khoảng 9 tuổi, là người đứng cuối cùng trong hàng. Một nhân viên cảnh sát  đưa cho em bao lương khô khẩu phần ăn tối, nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô, cúi người cảm ơn rồi mang bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Người cảnh sát ngạc nhiên, hỏi: “sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó”. Em đó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng, chú ạ”.

Ấy thế mà vị trưởng đoàn này này lại bảo là nước họ vô văn hóa. Hỏi tại sao, vị này bảo:

-Chúng tôi đã đi tới khá nhiều thành phố của nước này, quan sát kỹ nhưng đều thấy ở những thành phố đó, chẳng có gia đình nào có được cái biển gắn ở tường công nhận: “Gia đình văn hóa”. Chậc, chậc, không ngờ nước này lại vô văn hóa đến thế. Không như ở nước ta, hiện nay cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đã được danh hiệu Gia đình văn hóa. Từ con số trên, cho thấy ở nước ta chỉ có 3 triệu gia đình chưa được danh hiệu này, tức là chỉ còn 3 triệu gia đình vô văn hóa thôi. Như vậy, về mặt văn hóa, họ phải sang học ta, chứ ta đâu có phải đi học họ cho phí thời gian, tiền bạc.”

Nghe vậy, có người quay sang người ngồi bên cạnh nói nhỏ: “Gần nhà tôi có một gia đình, hai vợ chồng có tật xấu là hay trộm cắp vặt trong xóm ai cũng biết và họ hay chửi thề miết, thế mà đạt chuẩn văn hóa đấy.” Lại có người thở dài: “Hồi trước, gia đình tôi sáng ngủ dậy đã thấy chiếc biển công nhận “Gia đình văn hóa” chả biết ai đóng lên tường nhà hồi đêm. Một số gia đình khác cũng thế. Chắc kiểu gắn biển như vậy là từ bệnh hình thức và thành tích đây.”

Nhưng không ít người dự cuộc họp này phổng mũi, nhao nhao tán thưởng:

- Đúng, đúng, nước ta sống văn hóa nhất thế giới, họ chẳng đến học ta thì thôi, ta việc quái gì phải đi học nước nào nhỉ!