VNN - Đa phần dân ta đều nghiêm túc chấp hành và hành xử khá ổn nơi công cộng khi đi ra nước ngoài, nhưng cũng chính những người này lại sống buông thả khi về nước.
Có người cho rằng những bất cập trong hành xử văn hóa hay gọi là “đặc sản văn hóa tiêu cực” ở Việt Nam ngày nay có mối liên hệ với quá khứ nghèo khó và thiếu thốn trong đời sống.
Hàng ngày ta gặp những người sẵn sàng vượt đèn đỏ hay chen lấn khi tham gia giao thông, hay cắt ngang dòng người đang kiên nhẫn xếp hàng trong siêu thị. Họ có thể làm các nghề không giống nhau, sinh sống ở các địa phương khác nhau, tuổi tác hay giới tính cũng khác nhau, nhưng đều có điểm chung: chỉ nghĩ đến sự tiện dụng và lợi ích của bản thân mà không cần biết người khác hay cộng đồng xung quanh sẽ gặp bất lợi gì!
Xếp hàng nơi công cộng hay dừng xe khi tín hiệu đèn đỏ trong giao thông chính là nhưng quy tắc cho một xã hội trật tự và công bằng. Đa phần dân ta đều nghiêm túc chấp hành và hành xử khá ổn nơi công cộng khi đi ra nước ngoài, nhưng cũng chính là những con người này, họ lại có thể rất buông thả khi về nước.
Có lẽ họ sợ rằng nếu tuân thủ các quy tắc kia thì sẽ thiệt thòi khi mà phần đông người khác không tuân thủ luật chơi. Cũng có thể người ta không tin vào tính hiệu quả của các cơ chế điều chỉnh hành vi ở các cấp độ khác nhau.
Chuyện tài xế taxi từ chối phục vụ hoặc phục vụ một cách miễn cưỡng khách hàng chỉ đi một quãng đường ngắn hiện nay khá phổ biến. Có lẽ những tài xế này không biết hoặc cũng không quan tâm rằng hành động và thái độ đó có thể không ảnh hưởng lớn đến thu nhập trong ngày của họ, nhưng lại có hệ lụy đến đồng nghiệp và công ty của họ trong dài hạn.
Người phương Tây có câu “một con chim trong tay quý hơn hai con trong bụi”. Hàm ý, có thể cái chúng ta đang có giá trị thấp hơn nhiều những gì chúng ta mong muốn, nhưng khả năng để có được thứ lớn hơn là không chắc chắn hay thậm chí là không xảy ra. Việc từ chối một khoản thu nhập nhỏ còn có thể khiến người tài xế mất đi các cơ hội khác ở đâu đó trên đường nếu anh ta nhận phục vụ và di chuyển trên đường.
Tâm lý “kén cá, chọn canh” này không chỉ là độc quyền của các tài xế taxi mà còn được nhìn thấy ở rất nhiều nghề nghiệp khác. Thậm chí nhiều sinh viên ra trường vẫn có tâm lý cần xin được một công việc phù hợp và xứng đáng nên sẵn sàng thất nghiệp và đợi thời chứ không chịu làm các công việc bị cho là không tương xứng hoặc có thu nhập thấp. Thực tế, họ đã tự loại bớt đi các cơ hội khác để có thể có được một công việc tốt khi từ chối một công việc có thu nhập thấp, bởi vì cơ hội sẽ chỉ đến nhiều hơn nếu chúng ta chịu vận động và chủ động đón nhận nó.
Cách nghĩ và lối sống như những ví dụ trên đang khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy mỗi nơi thể hiện theo hình thức khác nhau, nhưng hệ lụy lại giống nhau, trong đó có thể kể đến khả năng dung hợp kém; thiếu đoàn kết, khó hợp tác và hạn chế trong làm việc nhóm. Ở cấp độ lớn hơn, nó ảnh hưởng đến tầm nhìn và định hướng phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, có nhiều cơ hội đã đi qua hoặc bị bỏ qua do không được xem xét một cách thấu đáo.
Thay đổi là cần thiết và cần một quá trình lâu dài. Sẽ khó nhưng hoàn toàn có thể, nếu có được cách tiếp cận phù hợp.
Thay vì nhổ bỏ hay phun thuốc để diệt cỏ dại trong vườn, người làm vườn đã chọn giải pháp ôn hòa hơn bằng cách tạo nên một môi trường thổ nhưỡng thích hợp hơn với một loại cây trồng hoặc thực vật có lợi. Bằng cách này, những cây trồng mong muốn đã phát triển mạnh mẽ và lấn át, chế ngự được các loại cỏ dại một cách tự nhiên.
Một môi trường xã hội có chức năng khuyến khích sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, nơi dung dưỡng và khuyến khích những hành vi văn hóa tốt đẹp, đồng thời đề cao tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết là những gì Việt Nam cần hướng tới.